PBoC giữ nguyên lãi suất, bơm 29 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng
Trụ sở PBoC tại Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Theo Nikkei, lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm và trên 5 năm của PBoC, các tham chiếu cho lãi suất cho vay thế chấp, sau quyết định nói trên hiện lần lượt ở mức 3,65% và 4,3%.
Đồng thời, ngân hàng trung ương này cho biết sẽ bơm ròng 199 tỷ nhân dân tệ (28,9 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các khoản cho vay trung hạn dành cho các ngân hàng thương mại ngay trong tháng này, lần bơm ròng thứ ba liên tiếp.
Ngay cả khi phần lớn nền kinh tế Trung Quốc đang trở lại bình thường sau khi chính sách Zero-COVID được dỡ bỏ, thị trường nhà ở vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bất ổn. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và Phát triển E-House Trung Quốc, tổng cộng chỉ có 15 km2 sàn nhà ở mới xây đã được bán tại các thành phố lớn vào tháng Một, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước - tháng bao gồm hầu hết thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của năm ngoái.
Một số nhà quan sát thị trường tài chính cho rằng lãi suất cơ bản kỳ hạn hơn 5 năm có thể sẽ được cắt giảm trong thời gian tới để kích thích nhu cầu vay.
Lãi suất cho vay thế chấp trung bình trên toàn Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 4,26% trong tháng 12/2022, hay giảm 1,37 điểm phần trăm trong năm 2022 - mức giảm hàng năm lớn nhất trong 7 năm gần đây.
Nhưng trong khi các nhà chức trách hy vọng người dân sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng vay thế chấp mới thì ngược lại, nhiều hộ gia đình đang cố gắng giảm dư nợ các khoản vay hiện có để bớt gánh nặng nợ nần. Trong bối cảnh lợi nhuận đầu tư cổ phiếu và bất động sản “bấp bênh”, một số hộ gia đình giàu có đã dồn tiền tích lũy để trả hết các khoản thế chấp trước kỳ hạn.
Thay vì điều chỉnh lãi suất, PBoC đang tập trung vào việc cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng để khuyến khích cho vay doanh nghiệp.
Dư nợ các khoản vay mới bằng đồng nhân dân tệ đã tăng 23% vào tháng Một lên 4,9 nghìn tỷ nhân dân tệ - mức lớn nhất từ năm 2002, chủ yếu (96%) là từ doanh nghiệp. Một phần trong số này được cho là do các tổ chức tài chính nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước vay để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng - một ưu tiên của chính quyền Bắc Kinh.
Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển dự án có thể cũng góp phần làm tăng hoạt động cho vay trong thời gian tới.
Các hạn chế của Trung Quốc đối với lĩnh vực xây dựng bắt đầu vào năm 2021, khiến nhiều chủ dự án bất động sản không có đủ tiền để hoàn thành dự án như cam kết với người mua. Hơn 2.600 dự án nhà ở trên toàn quốc được cho là đã được người mua thanh toán trước và bắt đầu trả nợ vay thế chấp, nhưng không nhận được nhà của họ như được cam kết.
Chính quyền Bắc Kinh hy vọng thông qua các hành động lần này sẽ thúc đẩy các nhà phát triển hoàn thành dự án của họ và khôi phục niềm tin của người tiêu dùng.