Phải kiểm soát chặt chẽ các loại vũ khí trong dân
Còn nhớ, tháng 10/2016, việc tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương và Công ty TNHH TM-ĐT Long Sơn (Công ty Long Sơn) tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đăk Nông) đã dẫn đến việc DN này huy động 30 công nhân mang theo khiên chắn, áo giáp, đá, gậy gộc cùng phương tiện tiến hành chốt chặn, ngăn cản người dân để san ủi vườn điều và một số cây trồng khác của gia đình các ông Hoàng Văn Thắng, Đặng Văn Hiến. Hậu quả, đối tượng Đặng Văn Hiến với sự hỗ trợ của Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường đã dùng súng giết 3 người của Công ty Long Sơn.
Vũ khí, vật liệu nổ luôn tiềm ẩn mất trật tự an toàn xã hội |
Sau khi xét xử phúc thẩm, tòa tuyên án tử hình đối với Đặng Văn Hiến, phạt Ninh Viết Bình 18 năm tù giam và Hà Văn Trường 9 năm tù giam. Hội đồng xét xử cũng đã giảm mức án cho Nghiêm Xuân Thiên Sửu xuống còn 4 năm tù giam, Phạm Công Thiện còn 2 năm tù giam.
Tuy nhiên, đây là bài học đau xót đối với chính quyền địa phương và các ngành chức năng.
Trong vụ án này, Kết luận số 62 của cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an nêu rõ, bắt đầu từ tháng 10/2005 công tác đo đạc, rà soát, phân loại diện tích đất có rừng, bị lấn chiếm tại địa phương được tiến hành. Song trong quá trình thực hiện, do gặp nhiều vướng mắc, nên phải mất 2 năm 6 tháng mới tiến hành xong. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phải chờ đợi báo cáo tổng hợp, rồi xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh mới thu hồi, bàn giao cho Công ty Long Sơn thực hiện.
Đến tháng 2/2008, UBND tỉnh Đăk Nông mới có quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn. Trong khoảng thời gian này, người dân tiếp tục lấn chiếm, nên diện tích đất có rừng bị biến động. Qua đo đạc thực tế thì đất có rừng 186,7ha, chênh lệch nhiều so với lần đo trước đó 321,6 ha. Việc này cho thấy công tác quản lý đất rừng của các đơn vị chức năng bị buông lỏng. Đồng thời, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng còn rất nhiều hạn chế, để người dân sở hữu vũ khí bất hợp pháp, gây bất ổn cho xã hội khi xảy ra mâu thuẫn.
Lâu nay, người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có thói quen sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy mà không lường hết mối nguy hiểm và việc vi phạm pháp luật.
Để đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, cũng như người dân hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thời gian qua lực lượng Công an tỉnh Đăk Nông phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều cuộc hội nghị, họp dân ở các thôn, bon, cụm, điểm nhóm tôn giáo và các cuộc tiếp xúc, vận động cá biệt.
Đồng thời, chiếu phim, phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến các văn bản của nhà nước quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Qua đó, giúp người dân hiểu được tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Lực lượng công an đã tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, kết hợp với hỗ trợ gạo cho những ai tự nguyện giao nộp súng và tặng giấy khen cho những tổ chức, cá nhân tích cực trong tuyên truyền, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo Công an tỉnh Đăk Nông, với việc chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, những năm qua, người dân trên địa bàn đã giao nộp hàng trăm khẩu súng các loại (trong có súng tự chế, súng săn, súng cồn, súng Ru lô, súng AK), nhiều nòng súng, súng hơi, vũ khí thô sơ các loại, góp phần bảo đảm an ninh trật tư tại địa phương.
Cùng với đó, Đăk Lăk cũng là một trong những địa phương có nhiều người dân dùng các loại vũ khí quân dụng để phục vụ săn bắt. Mới đây, sau một tháng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là mời gọi, đấu tranh với các cá nhân, đối tượng ngoan cố, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Lăk thu hồi được nhiều vũ khí, vật liệu nổ các loại, công cụ hỗ trợ...
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Lăk, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao nghiệp vụ cơ bản, nhất là công tác điều tra cơ bản, rà soát nắm tình hình địa bàn, đối tượng; thường xuyên tổ chức lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn khu vực biên giới. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền vận động, phát huy hiệu quả phong trào quần chúng tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Công an huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) vừa phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thu hồi trong dân. Số lượng tiêu hủy lần này bao gồm 74 khẩu súng hơi cồn tự chế, 50 khẩu súng kíp tự chế, 6 khẩu súng PCP, 4 khẩu súng thể thao, 2 khẩu súng lục, 7 khẩu súng hơi, 1 khẩu súng bắn mũi tên, 2 khẩu súng khác (chưa biết tên), 58 viên đạn, 3 vỏ đạn, 3 cái kiếm, 5 cái rựa, 31 cây mã tấu và 36kg pháo (20 kg pháo hoa và 16kg pháo bi, pháo đầu ông sư). Đây là số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thu hồi trong dân trong thời gian qua.
Có thể nói, các lực lượng chức năng làm tốt công tác vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của các địa phương.