Phân phối lợi nhuận sau thuế: Nên để doanh nghiệp tự quyết định?
Bộ Tài chính vừa có Báo cáo gửi Chính phủ nhằm thông tin và đề xuất về các nội dung còn nhiều ý kiến chưa thống nhất đối với Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, riêng đối với các quy định phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, Bộ này cho biết, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương, còn nhiều ý kiến cho rằng việc phân phối lợi nhuận sau thuế nên để doanh nghiệp tự quyết định hoặc để lại cho doanh nghiệp phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ để doanh nghiệp bổ sung vốn điều lệ còn thiếu.
Song song đó, dự thảo Luật nên cân nhắc nội dung quy định về việc điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển giữa các doanh nghiệp, đồng thời làm rõ nội dung sử dụng quỹ như việc thuê kiểm toàn báo cáo tài chính.
Theo Bộ Tài chính, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đề xuất cho phép doanh nghiệp giữ lại 100% lợi nhuận sau thuế sau khi chi, trích các quỹ đặc thù |
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ban, ngành và các địa phương, Bộ Tài chính đề xuất ba phương án phân phối lợi nhuận sau thuế đối với doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, phương án thứ nhất là cho phép doanh nghiệp được giữ lại tối đa 50% lợi nhuận sau thuế. Nếu thực hiện theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách từ nguồn lợi nhuận, cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm khoảng 19.847 tỷ đồng (tính toán căn cứ theo số liệu quyết toán thu ngân sách năm 2021 đã được Quốc hội phê duyệt).
Phương án thứ hai là cho phép doanh nghiệp được giữ lại tối đa 80% lợi nhuận sau thuế. Nếu thực hiện theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách từ nguồn lợi nhuận, cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm khoảng 49.616 tỷ đồng (cũng tính toán căn cứ theo số liệu quyết toán thu ngân sách năm 2021 đã được Quốc hội phê duyệt).
Phương án thứ ba là để lại 100% lợi nhuận sau thuế cho doanh nghiệp sau khi chi, trích các quỹ đặc thù. Khi đó, nguồn nộp ngân sách từ nguồn lợi nhuận, cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn; tương đương giảm thu ngân sách khoảng 69.463 tỷ đồng.
Sau khi cân nhắc các ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính thống nhất chọn phương án thứ hai (cho phép doanh nghiệp giữ lại 80% lợi nhuận sau thuế). Vì phương án này phù hợp với Nghị quyết số 42/2024/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó có nội dung về “nghiên cứu tăng tỷ lệ tối đa trích lập Quỹ đầu tư phát triển để đảm bảo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc tái đầu tư từ lợi nhuận hàng năm”.
Bên cạnh đó, mặc dù số nộp ngân sách từ nguồn lợi nhuận, cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm khoảng 49.616 tỷ đồng nhưng không phải để chi ra mà chỉ là giữ lại để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp, nguồn vốn nhà nước vẫn được bảo toàn. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể quyết định nộp về ngân sách nhà nước.