Phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tiện ích
Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung). Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, đây là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị |
Theo Phó Thống đốc, nhìn lại chặng đường đã qua, năm 2015 - 2016, tỷ lệ người dân mở tài khoản thanh toán ở Việt Nam là 31%, còn hiện tại con số này đã đạt 87%, đây là mức tăng trưởng vượt bậc. Bên cạnh đó, nếu vào năm 2019, Việt Nam có 1 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt/năm thì hiện tại đã có 9 tỷ giao dịch/năm, cho thấy sự phát triển với quy mô lớn của thanh toán số. Phó Thống đốc cho biết, có ngân hàng đã đạt tỷ lệ khách hàng cá nhân giao dịch trên kênh số đạt 99% và tỷ lệ khách hàng tổ chức đạt trên 80%.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó là những mối nguy cơ và thách thức mới đặt ra liên quan đến vấn đề an toàn, bảo mật. Chính vì vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của dịch vụ thanh toán là vô cùng cần thiết.
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN trình bày tại Hội nghị |
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, mục tiêu ban hành Nghị định 52 đó là góp phần bảo đảm sự an toàn và hiệu quả của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia; Đồng thời, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán nhằm tạo sự minh bạch trong giao dịch tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
Ông Tuấn cho biết Nghị định 52 đã bổ sung một số quy định mới về tiền điện tử như: định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử (Điều 3); quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6); đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).
Toàn cảnh Hội nghị |
Ngoài ra, Nghị định 52 cũng bổ sung một số quy định mới về thanh toán quốc tế đó là: làm rõ khái niệm thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế (Điều 3); vai trò quản lý nhà nước của NHNN đối với thanh toán quốc tế (Điều 4); quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế (Điều 5); quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và điều kiện để được chấp thuận (Điều 5, Điều 21…
Nghị định 52 cũng bổ sung một số hành vi bị cấm như: mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử để hoạt động phi pháp, các hành vi liên quan đến dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán…
Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, quan điểm ban hành Nghị định 52 đó là: Phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật NHNN, Luật các TCTD và các Luật liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và các quy định pháp luật khác có liên quan; phù hợp với các cam kết, thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; áp dụng các thông lệ, kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công trên thực tiễn phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của Việt Nam… Đồng thời, đưa ra các căn cứ cần thiết nhằm bảo đảm tính khả thi, gắn với thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, hiện đại. Kế thừa những nội dung còn phù hợp, phát huy hiệu lực, hiệu quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế quy định tại Nghị định 101.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Thanh toán, NHNN cũng đã giải đáp những thắc mắc của các TCTD, trung gian thanh toán xoay quanh Nghị định 52 để đảm bảo triển khai thực thi một cách hiệu quả.