Phát triển du lịch văn hóa biển đảo
Kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023: Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng | |
TP.HCM khai thác nguồn thu từ đường thủy | |
Thay đổi chính sách visa để hút khách quốc tế |
“Nơi anh đến là biển xa…”
Trong những năm qua, du lịch biển, đảo đã có bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển du lịch của đất nước. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã nổi lên trở thành một điểm đến du lịch biển, đảo mới có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách. Đây được xác định là 1 trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế, chiếm đến 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3%/năm đối với khách nội địa.
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch khái quát: “Du lịch biển đảo đã thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, có sự tham gia rất tích cực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này đã cho thấy vị thế của du lịch biển đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Du lịch biển, đảo đã đóng góp lớn trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân các địa phương ven biển”.
Du lịch đảo Phú Quốc ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước |
Điển hình cho các địa phương đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo là thành phố Đà Nẵng. Với lợi thế về du lịch biển, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, du lịch biển, đảo là một trong những sản phẩm được yêu thích nhất và được xác định là sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng.
Thời gian qua, thành phố đã tạo dựng được thương hiệu trong nước và quốc tế với một số loại hình thể thao, vui chơi giải trí dưới nước; du lịch đường thủy nội địa được quy hoạch phát triển với 10 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa, trong đó có 8 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa và 2 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo (tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn và Đà Nẵng - Cù Lao Chàm) và đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy nội địa khám phá vịnh, bán đảo Sơn Trà (tuyến Sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà và tuyến Sông Hàn - Hòn Chảo và tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn). Đội tàu được đóng mới, chất lượng dịch vụ tốt đã góp phần thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế...
Cần có chiến lược tổng thể
Tài nguyên du lịch biển đảo của Việt Nam được đánh giá là đa dạng và phong phú. Nguồn lực tự nhiên này có thể phát triển trở thành điểm đến du lịch biển, đảo đẳng cấp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, so với những gì mà thiên nhiên ban tặng, tầm vóc của du lịch biển đảo Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị, để sớm tận dụng được tiềm năng và đưa du lịch biển đảo Việt Nam bứt phá, các bộ, ngành và địa phương cần kịp thời thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp để khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Cùng với việc xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế, ngành du lịch phải tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững.
Tương tự, ông Đoàn Văn Việt cho rằng, du lịch biển đảo hiện vẫn chưa thực sự được phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước. Có đường bờ biển dài, nhưng đến nay, Việt Nam lại chưa có đội tàu du lịch biển nào, cơ sở hạ tầng như các cảng tàu du lịch còn rất thiếu thốn. Do vậy, phát triển du lịch biển đảo nói chung và phát triển du lịch tàu biển nói riêng ở Việt Nam trở thành một nhu cầu cấp bách.
Với định hướng trong thời gian tới, ngành du lịch các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần mạnh dạn đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm phát triển du lịch biển đảo xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chia sẻ, dù cần nhanh chóng đầu tư cho du lịch biển nhưng phải tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp ở tất cả các cấp, các miền và điểm đến.
Mặt khác, cần chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, phù hợp với sức phát triển của thị trường, đồng thời dành dư địa cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai.
Từ những bài học về "khủng hoảng thừa" sản phẩm du lịch hay hệ thống khách sạn, các tỉnh, thành cần quan tâm phát triển sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường.
Trong quá trình định hướng đầu tư, cần dành ngân sách thỏa đáng cho bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên. Cộng đồng dân cư ven biển cũng phải được tham gia vào quá trình làm du lịch và có quyền lợi thiết thực để họ chung tay bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cũng nhấn mạnh, cần có chiến lược phát triển tổng thể, có quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo, đầu tư hạ tầng, cơ sở du lịch, bảo vệ môi trường biển, có cơ chế, chính sách phù hợp... Đây chính là các điểm nghẽn cần được tháo gỡ để khơi thông và phát triển du lịch biển đảo theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.