TP.HCM khai thác nguồn thu từ đường thủy
Với hơn 950 km chiều dài sông, kênh, rạch, nếu khai thác tốt, TP.HCM sẽ có thêm nguồn thu không nhỏ từ giao thông thủy, du lịch đường thủy… Kèm theo đó là nguồn thu từ cho thuê đất để khai thác dịch vụ nhà hàng, mở gian hàng mua sắm trên các bến bãi ven sông, kênh, rạch cũng không nhỏ.
Ảnh minh họa. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm du lịch, Sở Du lịch TP.HCM cho biết, hiện các doanh nghiệp đã đưa vào khai thác 3 nhóm tuyến du lịch gồm, tuyến du lịch tầm ngắn dưới 10km có Bạch Đằng - Khu du lịch Bình Quới; tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tuyến du lịch đi quận 5, quận 6 và quận 8 (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm). Với tuyến tầm trung, từ 10 đến 60km có tuyến Bạch Đằng - Củ Chi; Bạch Đằng - Cần Giờ. Tuyến du lịch đường thủy tầm xa, từ 60km trở lên, khai thác từ TP.HCM đến các tỉnh khu vực ĐBSCL…
Khẳng định dư địa từ đường thủy TP.HCM mang lại còn rất lớn, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Khối Du lịch quốc tế lữ hành Saigontourist nhấn mạnh, các sản phẩm du lịch tham quan TP.HCM bằng đường sông rất được du khách quan tâm. Chẳng hạn tour “Sài Gòn rong ca” chiều thứ bảy kết hợp buýt 2 tầng với các tuyến buýt sông cùng ẩm thực Bình Quới và chương trình “rong ca” dọc các tuyến đường của TP.HCM. Lữ hành Saigontourist cũng liên kết với các địa phương lân cận TP.HCM và kết nối với Campuchia để đưa khách tham quan theo tuyến TP.HCM - ĐBSCL. Đây là tour được nhiều du khách ưa thích.
Cũng như vậy, Bến Thành Tourist đang có sản phẩm “Chèo SUP, lướt sông Sài Gòn” được nhóm khách quốc tế, doanh nhân, người yêu thích thể thao đặt nhiều. Các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn khách cách thăng bằng trên SUP (Standup Paddle Board - lướt ván đứng) trước khi thực hành dưới nước.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt cho biết, các tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được khách quốc tế thích thú. Các đoàn học sinh thuộc các trường cũng chọn tham quan, tìm hiểu về lịch sử thông qua các cây cầu, cách xử lý ô nhiễm môi trường… Trong tháng 12/2022, doanh nghiệp cũng chính thức triển khai tour từ Tam Thôn Hiệp qua đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ).
Là doanh nghiệp khai thác nhiều tuyến vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn, ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP cho rằng, phát triển tốt vận tải đường thủy sẽ mang lại nguồn thu lớn cho TP.HCM. Do đó, thành phố cần sớm hoàn thiện các quy định về cho thuê đất hành lang sông, rạch để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư bến bãi, được khai thác các dịch vụ hỗ trợ như đặt nhà vệ sinh, quầy ăn uống, gian hàng quà lưu niệm… phục vụ du khách.
"Chúng tôi mong muốn đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo động lực phát triển giao thông thủy", ông Hải nói.
Mặc dù sản phẩm du lịch đường sông đang được khách trong nước cũng như quốc tế quan tâm, nhưng thực tế, việc phát triển còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cũng nhận định, 11 tháng qua, TP.HCM đã đón hơn 3,1 triệu lượt khách quốc tế, 27,9 triệu khách nội địa nhưng chỉ có 342.800 lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy (chiếm hơn 1%).
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng bến cảng, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách còn hạn chế; chưa có cơ chế giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách du lịch.
Theo ông An, muốn định hướng, xây dựng các sản phẩm du lịch thủy, việc đầu tiên là phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm bến, bãi, luồng, tuyến. Tuy nhiên, bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch ngành và các quy hoạch khác, trong khi hiện nay, quy hoạch ngành còn chưa có! Hiện thành phố có 411 vị trí bến thủy nội địa, Sở Giao thông - Vận tải đã nhiều lần đề nghị cập nhật vào quy hoạch từng quận, huyện nhưng sau nhiều năm vẫn chưa nhận được phản hồi. Điều này dẫn đến tình trạng có những bến tồn tại từ rất lâu, hoạt động thực tế đáp ứng yêu cầu nhưng do chưa có trong quy hoạch nên tạm thời phải đóng cửa.
Cho rằng TP.HCM đang đứng trước cơ hội lớn để vận tải đường thủy sang trang mới, PGS-TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông - vận tải Việt Đức, trường Đại học Việt Đức đề xuất, để giao thông thủy TP.HCM phát triển tốt cần tích hợp phát triển đô thị ven sông với hệ thống vận tải hành khách đường thủy, sớm đưa mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) vào đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM.
“Kinh nghiệm cho hay, nhiều thành phố lớn trên thế giới phát triển mạnh về vận tải đường thủy đều theo mô hình TOD. Không chỉ “trên bến, dưới thuyền” hữu tình, mà nhiều dịch vụ vui chơi, mua sắm, ăn uống… cũng được phát triển dọc bờ sông. Khách đi buýt sông, ca-nô hoặc phà đều có thể tấp vào ăn uống, mua sắm rồi chọn tiếp các phương tiện giao thông khác đi lại như xe buýt, xe đạp...”, ông Tuấn cho biết.
Thể hiện quyết tâm của TP.HCM phát triển du lịch đường thủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố sẽ triển khai nhiều nhóm việc theo thứ tự ưu tiên, gồm hoàn thiện quy hoạch chung, tạo cơ sở hoàn tất quy hoạch bến bãi ven sông, kêu gọi nhà đầu tư khai thác; có cơ chế về giảm, miễn thuế để nhà đầu tư mua sắm phương tiện; cải tạo môi trường nước, nâng độ tĩnh không thông thuyền một số cầu thấp… Qua đó, giúp cho ngành du lịch TP.HCM cũng như vận tải thủy ngày càng phát triển.