Thay đổi chính sách visa để hút khách quốc tế
Khách du lịch nội địa đến TP.Hồ Chí Minh tháng 12/2022 ước đạt 3.262.744 lượt, tăng 232,9% so cùng kỳ năm 2021 (tháng 12 năm 2021 là 980.000 lượt). Lũy kế năm 2022 lượng khách du lịch nội địa đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt 31.236.443 lượt, tăng 234,1% so cùng kỳ năm 2021.
Trái ngược với nội địa, thị trường du lịch quốc tế lại ảm đạm hơn rất nhiều, nhất là khi so sánh với Thái Lan hay Singapore. Những ngày cuối năm luôn là mùa cao điểm đón khách quốc tế của ngành du lịch. TP.Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, liên tục tổ chức những sự kiện quy mô quốc tế để quảng bá, giới thiệu, thu hút du khách trong và ngoài nước nhưng cũng chỉ gần đạt kế hoạch năm 2022.
Ảnh minh họa |
Năm 2022, ngành du lịch cả nước chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, Việt Nam không hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách đề ra đầu năm dù được đánh giá là điểm đến cởi mở nhất thế giới khi mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh. Nếu so với 18 triệu lượt khách trong năm 2019, trước dịch Covid-19, kết quả này thực sự không vui.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến du khách nước ngoài ngại đến Việt Nam là chính sách thị thực nhập cảnh (visa). Cụ thể, Thái Lan đã miễn visa du lịch cho 65 nước, còn Việt Nam chỉ 24 nước (bao gồm các nước ASEAN). Thái Lan cho phép du khách lưu trú tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần, trong khi Việt Nam chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và ra vào chỉ 1 lần.
Hơn thế, thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại của ngành du lịch đang rất yếu. Cùng với đó, giá vé máy bay và landtour của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực tới 30%. Sau đại dịch, giá vé máy bay, giá khách sạn (2 yếu tố chiếm đến 80% chi phí chuyến đi) và vé tham quan các điểm đến đã nhanh chóng tăng cao khiến du khách e dè.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, khách quốc tế vẫn chưa hào hứng tới Việt Nam với lý do đầu tiên là những trở ngại về visa. Dù mở cửa từ đầu năm nhưng đến nay, khách xin visa vào Việt Nam cũng rất khó khăn, đặc biệt là khách đi tự túc. Họ bị yêu cầu phải mua tour qua các công ty du lịch, phải đối mặt với những thủ tục nhập cảnh rắc rối và thời gian chờ xét duyệt hồ sơ kéo dài.
"Ngay cả visa điện tử (e-visa) của Việt Nam cũng còn khá bất tiện. Visa-on-Arrival (visa tại sân bay) vẫn phải xin phê duyệt trước. Có thể nói vấn đề visa là khó khăn lớn nhất, nan giải nhất của du lịch, hàng không Việt Nam", ông Lương Hoài Nam - Hội đồng Tư vấn du lịch, chuyên gia về du lịch cho biết.
Với những nút thắt về visa, trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định đã kiến nghị Chính phủ xem xét, áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách; tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động này. Đặc biệt, cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho họ tới du lịch và đi lại trong nước; xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho du khách quốc tế...