Phát triển nhân lực chất lượng cao thực thi nhiệm vụ then chốt của ngân hàng
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc Toạ đàm |
Tham dự và chủ trì Toạ đàm có PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN; đồng chí Đặng Văn Tuyên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Toạ đàm còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành; đại diện vụ, cục, đơn vị NHNN cùng các công chức, viên chức đã được công nhận hoàn thành chương trình đào tạo chuyên gia các giai đoạn 2013-2020; công chức, viên chức thuộc danh sách đào tạo chuyên gia giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ: Trong sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, mục tiêu sánh ngang các cường quốc năm châu của đất nước, NHNN luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thực thi các nhiệm vụ then chốt của Ngân hàng, tiến tới trở thành một ngân hàng trung ương tiên tiến, hiện đại trong khu vực và trên thế giới. “
Tuyển dụng được một nhân tài là điều không phải dễ dàng, nhưng khó khăn không kém chính là làm sao để họ gắn bó lâu dài với tổ chức, nỗ lực phấn đấu phát triển bản thân, góp phần vào sự phát triển của tổ chức, vì phát triển là một phần văn hóa của tổ chức”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Từ năm 2004, NHNN đã xây dựng Đề án “Xây dựng từng bước nhóm cán bộ nòng cốt, trình độ cao nghiệp vụ sâu, có khả năng trở thành những chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên môn hẹp của NHNN” (Đề án Chuyên gia). Đến năm 2013, Đề án tiếp tục được rà soát, đánh giá và hoàn thiện lại với tên gọi Đề án “Đào tạo chuyên gia giai đoạn 2013 - 2020”. Trải qua các giai đoạn thực hiện Đề án, NHNN đã đạt được một số kết quả nhất định, đáng khích lệ, khẳng định sự cần thiết của công tác đào tạo chuyên gia.
Ông Trần Hữu Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại Toạ đàm |
Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Trần Hữu Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, các nhóm cán bộ nòng cốt của NHNN đã đóng góp vào thành tựu chung của ngành Ngân hàng trong giai đoạn từ 2004 đến nay. Theo đó, trong lĩnh vực hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, nhóm cán bộ nòng cốt đã đề xuất nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; Đề xuất phương án điều hành nghiệp vụ thị trường hàng ngày, tháng nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Đồng thời, đề xuất xử lý các vấn đề liên quan đến phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; các giải pháp điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, sáng tạo, phù hợp, góp phần ổn định tỷ giá… Đối với lĩnh vực Thanh toán, nhóm đã tham mưu xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, điển hình phải kể đến như Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và sắp tới đây là Chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong lĩnh vực Thanh tra, giám sát ngân hàng, nhóm cũng tham mưu xây dựng và triển khai nhiều văn bản quan trọng như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”; các cơ chế chính sách về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền; các cơ chế chính sách về an toàn hoạt động ngân hàng như Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng 2010, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…
Ngoài ba lĩnh vực chính nêu trên, nhóm cán bộ nòng cốt thuộc các lĩnh vực khác như nghiệp vụ ngân hàng trung ương, kế toán - kiểm toán ngân hàng, quản trị nhân sự... cũng đã tham mưu đề xuất và xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách quan trọng thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn của mình.
Ông Trần Hữu Thắng cũng cho biết, Đề án đào tạo chuyên gia của NHNN đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức quốc tế thông qua hình thức hỗ trợ kỹ thuật của các Dự án nước ngoài hoặc hợp tác song phương, đa phương…
Các chuyên gia chia sẻ tại Toạ đàm |
Nhìn vào những những kết quả nêu trên, theo PGS.TS Nguyễn Kim Anh, NHNN đã “phần nào có thể yên tâm là đang sở hữu một đội ngũ cán bộ nòng cốt có thể coi là những chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên môn chính, là trọng tâm, trụ cột phản ánh hoạt động chính của NHNN”.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng nhìn nhận, với yêu cầu thực tiễn thì đội ngũ này còn mỏng, vì vậy, cần tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ quy hoạch chuyên gia trong thời gian tới. NHNN cần phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra: Xây dựng và phát triển các nhóm chuyên gia nòng cốt trong từng lĩnh vực chính, là trọng tâm, trụ cột phản ánh hoạt động chính của NHNN, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc để tham mưu, tư vấn cho Ban lãnh đạo NHNN và Lãnh đạo các đơn vị ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn của NHNN được xác định trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Thống đốc cũng biểu dương 40 cán bộ của NHNN đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên gia, đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực tham mưu, đề xuất, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của NHNN và ngành Ngành Ngân hàng. Phó Thống đốc hy vọng trong thời gian tới, các đồng chí tiếp tục phát huy năng lực sở trường chuyên môn cùng với lòng nhiệt thành, tâm huyết để có những tham mưu, đề xuất đúng và trúng cho Ban lãnh đạo NHNN nhằm quản lý, điều hành hiệu quả hoạt động của NHNN cũng như toàn ngành Ngân hàng.
Tại Toạ đàm, các đại biểu tham dự đã đánh giá những mặt đã làm được, cũng như những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình triển khai Đề án qua các giai đoạn, đề ra giải pháp cụ thể thời gian tới nhằm tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN triển khai thành công Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia giai đoạn 2021 - 2030.
TS. Lại Đức Vượng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC (Bộ Nội vụ) cho rằng, thu hút và trọng dụng đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao nếu chỉ coi trọng ưu đãi về tài chính mà xem nhẹ việc tạo môi trường làm việc dân chủ, tôn vinh sự đóng góp, cống hiến thì việc thu hút và trọng dụng khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Cũng theo TS. Lại Đức Vượng, phải tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch hơn nữa việc sử dụng và tôn vinh nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng cơ chế giới thiệu, tiến cử đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước theo hướng gắn thẩm quyền với trách nhiệm của cá nhân những người đứng đầu các cơ quan trọng việc giới thiệu và tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quang cảnh Toạ đàm |
Còn theo TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, một trong 5 quan điểm phát triển tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ về “nhận thức sâu sắc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là những thành tố chính, then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam so với khu vực và thế giới”.
Bàn về giải pháp cần tiếp tục triển hai giai đoạn 2021-2030, bà Hiền cho hay, với NHNN cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành, hoàn thành việc xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp, áp dụng chứng chỉ hành nghề đối ới một số vị trí cốt lõi trong ngành Ngân hàng. Cùng với đó hoàn thiện hệ thống đo lường hiệu quả thực thi công việc cho cán bộ, nâng cao cơ chế đãi ngộ; tăng cường đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nắtm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là CMCN 4.0 và ứng dụng vào thực tiễn của Ngành.
Chia sẻ từ góc độ một ngân hàng, theo TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia - Kinh tế trưởng và Nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV: “Một trong hai mục tiêu chính trong phát triển nguồn nhân lực của BIDV là xây dựng nhóm chuyên gia, nhóm hạt giống nhân tài trong ngân hàng. Công tác quy hoạch chuyên gia tại BIDV sẽ gắn liền với chiến lược kinh doanh theo từng thời kỳ”.
Chuyên gia này cũng nhìn nhận, việc quy hoạch và đào tạo chuyên gia phải kết hợp giữa xu thế thị trường và nhu cầu nội bộ. Trong đó, để xây dựng đội ngũ chuyên gia hiệu quả, một khung chương trình đào tạo chi tiết là cần thiết để đảm bảo việc đào tạo chuyên gia thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch, đồng thời có sự đánh giá, hỗ trợ kịp thời chuyên gia để học có cơ hội phát triển một cách tối ưu…