Phòng ngừa hỏa hoạn khi năm hết, Tết đến
Điều đáng nói, trong thời điểm cuối năm tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước lại xảy ra nhiều vụ cháy nhà, kho xưởng.
Theo các chuyên gia, thời điểm cuối năm, giáp Tết là dịp mà các doanh nghiệp, cơ sở và hộ dân tăng cường sản xuất kinh doanh, tích trữ hàng hoá… Vì vậy đây cũng là giai đoạn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tăng cao. Tại các khu vực đô thị tồn tại nhiều kiểu nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, dịp cuối năm không ít hộ buôn bán đặt nhiều hàng trong dịp Tết. Từ đó, hàng hóa sẽ được tích trữ nhiều hơn trong nhà, thậm chí chèn cả các lối thoát nạn như cầu thang, lối đi, đây là điều tối kỵ khi xảy ra hỏa hoạn.
Đây cũng là giai đoạn trùng với mùa hanh khô, dễ xảy ra cháy nổ. Nguy cơ hỏa hoạn thường ở các khu dân cư, nhiều địa điểm có nhiều hàng hóa như siêu thị, chợ truyền thống nếu tiếp xúc với nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị tiêu thụ điện.
Nhiều vụ cháy lớn gây ra hậu quả nghiêm trọng |
Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 46/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc của các cấp có thẩm quyền về công tác phòng cháy. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị. Rà soát nhiệm vụ được giao tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương để tập trung triển khai thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền về nguy cơ cháy nổ, thường xuyên tập huấn kỹ năng thoát nạn, chữa cháy, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về điều kiện an toàn PCCC đối với từng công trình, cơ sở, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra về PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025; xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Mới đây, để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra trong dịp cuối năm Công an TP. Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tới người dân, tổ chức.
Đối với các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ ở trong ngõ nhỏ, hẻm sâu cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị. Đồng thời, lực lượng chức năng khuyến cáo lắp đặt hệ thống điện và thiết bị điện trong nhà phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật an toàn phòng cháy, chống quá tải, chập mạch.
Mỗi gia đình nên trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy, thoát hiểm được trang bị. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến… Đặc biệt, người dân không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, cần tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ công nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định phòng cháy chữa cháy; tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ. Sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; tổ chức các ca trực trong quá trình sản xuất và ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.