Chỉ thị số 40-CT/TW: “Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách tại Hà Nam (Kỳ 1)
Kỳ 1: Nâng cao thu nhập cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế
Nguồn vốn ưu đãi được giải ngân trực tiếp tại Điểm giao dịch UBND xã Xuân Thủy, huyện Thanh Liêm |
Vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đến thăm một số hộ nghèo vay vốn tín dụng chính sách điển hình trên địa bàn huyện. Trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Huệ xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm thuộc diện hộ nghèo của xã. Chồng bà mất cách đây 3 năm vì bệnh trọng. 6 năm chạy chữa bệnh cho chồng khiến kinh tế gia đình bà kiệt quệ. Thông qua hoạt động ủy thác của Đoàn thanh niên xã, bà đã được Tổ vay vốn trong thôn tư vấn, hướng dẫn thủ tục để vay vốn từ NHCSXH. Số vốn 70 triệu đồng vay được, bà đã mua một số con giống về nuôi như: bò, dê, gà… đồng thời mua cây keo giống về trồng xen canh các loại cây màu. Hiện số tiền vốn được vay đang giúp cuộc sống của gia đình bà Huệ có nhiều thay đổi tích cực. Các cây trồng, con nuôi đang sinh sôi, phát triển tốt. Đàn dê từ 2 con nay đã thành 7 con. Bà chia sẻ, đầu năm tới, bò giống cũng đến kỳ sinh sản.
Nguồn vốn ưu đãi giúp cho gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (áo cam) ở Thanh Bồng, Thanh Nghị phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện cuộc sống |
Đến thăm cơ sở sản xuất giò Hiền của gia đình chị Nguyễn Thị Hà – Thôn Trung Tiến, xã Công Lý, huyện Lý Nhân. Hiện nay ngoài 2 vợ chồng chị, chị còn thuê thêm 4 nhân công là người địa phương làm việc bán thời gian. Mỗi ngày cơ sở của chị cung cấp ra thị trường gần 200kg giò, đem lại lợi nhuận khoảng 45 – 50 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ: Những năm trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo trong xã. Nghề giò vốn là nghề truyền thống của gia đình nhưng sản xuất thủ công do vốn làm ăn hạn hẹp. Có được cơ ngơi như hiện tại thì nguồn vốn được vay từ ngân hàng chính sách đóng vai trò rất lớn. Ban đầu gia đình chị được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tiếp đó là 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo, rồi 100 triệu từ chương trình giải quyết việc làm. Khoản tiền vay dù nhỏ, nhưng với lãi suất ưu đãi đã giúp gia đình chị có điều kiện sửa sang cơ sở, mua sắm thêm một số máy móc thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập.
Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách gia đình chị Nguyễn Thị Hà – Thôn Trung Tiến, xã Công Lý, huyện Lý Nhân đã duy trì khôi phục nghề truyền thống |
Xã Công Lý, huyện Lý Nhân được biết đến là địa phương nhiều năm trở lại đây không còn tình trạng khách hàng nợ quá hạn các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, cùng với sự quan tâm vào cuộc thường xuyên của cấp ủy, chi bộ các thôn. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn có trọng tâm, trọng điểm gắn với Chương trình phát triển nông thôn mới và thực hiện Chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Vì thế, các hộ trong diện thụ hưởng trong xã kịp thời nắm bắt và tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, chính sách ưu đãi đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, cải thiện cuộc sống, sinh hoạt tại gia đình.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch UBND xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, với vai trò thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Lý Nhân, cho biết “Đối với công tác quản lý vốn tín dụng chính sách trước khi làm thủ tục để giải ngân nguồn vốn UBND xã luôn chỉ đạo các đơn vị Hội đoàn thể nhận ủy thác phối hợp cùng Trưởng thôn, các Tổ Tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức rà soát nhu cầu vay vốn, họp bình xét các hộ vay vốn đúng đối tượng tạo thuận lợi cho hô nghèo và các đối tượng chính sách trong xã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lý Nhân. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị 40 của Ban bí thư TW Đảng nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh, làm ăn hiệu quả và vươn lên thoát nghèo. Đến nay dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt trên 40 tỷ với 533 hộ đang vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội trên địa bàn”.