Phú Yên: Gỡ khó cho thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Trước thực trạng trên, ngày 9/5/2017, NHNN chi nhánh Phú Yên và Cục Thi hành án dân sự tỉnh ký kết quy chế phối hợp số 259/QCPH/PHY1-CTHA, trong công tác thi hành án dân sự. Việc ký kết phối hợp, nhằm tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa NHNN chi nhánh tỉnh, các TCTD với cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn Phú Yên; giúp nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ và xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng ở địa phương...
Trên cơ sở quy chế phối hợp, NHNN chi nhánh Phú Yên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các TCTD trên địa bàn đã tích cực, chủ động phối hợp trong việc xử lý, giải quyết các vụ việc tín dụng, ngân hàng qua thi hành án.
Trong đó, NHNN chi nhánh Phú Yên thực hiện tốt công tác trao đổi, cung cấp thông tin; chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án dân sự về những khó khăn, vướng mắc của TCTD khi thi hành các bản án…
Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chú trọng đến việc thi hành án liên quan đến các TCTD; tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của cá nhân, tập thể phải thi hành án.
Hội nghị tổng kết quy chế phối hợp giữa NHNN chi nhánh Phú Yên và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên (ảnh L.H). |
Trong khi đó, về phía các TCTD cũng chủ động phối hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự, trong việc cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án, xử lý tài sản thế chấp, thông tin tài khoản, thực hiện phong tỏa tài khoản, khấu trừ tài khoản của người phải thi hành án, khi có yêu cầu của cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật. Các TCTD cũng chủ động phối hợp với cơ quan thi hành án cũng như phối hợp với đơn vị có liên quan trong thi hành án và giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết thi hành án…
Tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2018-2022 của ngành Phú Yên luôn nhỏ hơn 2%, nằm trong ngưỡng an toàn theo chỉ đạo của NHNN. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018-2022 tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm từ 1,9% xuống còn 0,5% và tỷ lệ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm từ 381 tỷ đồng xuống chỉ còn 81 tỷ đồng. Kết quả này đến từ công tác kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả, những chỉ đạo đôn đốc của NHNN chi nhánh tỉnh, sự nỗ lực của các TCTD và sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan thi hành án trên địa bàn.
Tuy nhiên, với tác động của dịch Covid - 19 trong giai đoạn 2021-2023, tình hình suy giảm kinh tế thế giới và trong nước giai đoạn hậu Covid - 19, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng dư nợ tín dụng của các TCTD; đồng thời, nợ xấu đang tiềm ẩn những nguy cơ tăng nhanh. Theo số liệu từ NHNN chi nhánh Phú Yên, đến 31/10/2023, trên địa bàn còn 241 vụ việc đang thi hành án liên quan đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng; trong đó, số tiền đề nghị thi hành án gần 377,6 tỷ đồng, số tiền đã thu hồi hơn 103,9 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 27%. Số tiền chưa thu hồi lên đến hơn 273,6 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 73%...
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Chánh Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh Phú Yên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án tín dụng ngân hàng ở Phú Yên. Trong đó, nổi lên là tình trạng khách hàng không còn tài sản để thi hành án và/hoặc không có khả năng trả nợ, đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc khách hàng đã mất. Một số khách hàng chây ỳ, không có thiện chí trả nợ, không hợp tác, đã trốn khỏi địa phương, thay đổi nơi ở và nơi làm việc, cản trở việc thi hành án...
Ông Nguyễn Hữu Nam, Chánh Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh Phú Yên: "Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án tín dụng ngân hàng". |
Đặc biệt, trên thực tế có trường hợp cơ quan thi hành án còn chậm trong việc xác minh, cưỡng chế, kê biên, thi hành án. Trong đó, các món vay nhỏ lẻ, cơ quan thi hành án chưa kiên quyết xử lý sẽ tạo ra tâm lý chây ỳ ở khách hàng, lây lan sang các món vay khác…
Tăng cường sự phối hợp giữa các bên
Để thực hiện tốt hơn nữa trong công tác phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc xử lý, giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vụ việc tín dụng, ngân hàng còn tồn đọng, đặc biệt là các vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài… ông Hoàng Linh, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên cho biết, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD phối hợp chặt chẽ, tích cực với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tiến hành rà soát các vụ việc thi hành án, cung cấp đầy đủ các thông tin và các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp để việc xử lý tài sản được nhanh chóng, đúng pháp luật. Thường xuyên tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của các TCTD trong công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, làm việc với các đơn vị có liên quan, báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo cụ thể.
Đồng thời, chi nhánh cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 và các quy định của pháp luật. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu hiệu quả, gắn với từng khách hàng đang có nợ xấu; tăng cường công tác thẩm định, xét duyệt cho vay; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khoản vay nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thi hành án dân sự Phú Yên, phát biểu tại Hội nghị tổng kết quy chế phối hợp giữa NHNN chi nhánh Phú Yên và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên. |
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thi hành án dân sự Phú Yên, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Chỉ đạo các Chi cục thi hành án dân sự tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các TCTD trong quá trình thi hành bản án, quyết định của tòa án về xử lý tài sản bảo đảm; rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án chưa được thi hành hoặc đang được thi hành dở dang, đẩy nhanh thi hành án các vụ án còn tồn đọng...
Trong khi đó, đối với các TCTD trên địa bàn Phú Yên cũng cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu. Nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối vưới các khoản nợ tại TCTD. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Đồng thời, cần thành lập tổ xử lý nợ, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đến từng thành viên trong tổ xử lý nợ cũng như các cán bộ liên quan. Tiến hành phân tích thực trạng nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro, xây dựng và triển khai phương án xử lý thu hồi nợ xấu phù hợp với từng khoản nợ; Chấp hành các quy định pháp luật và quy định nội bộ trong công tác cho vay, nâng cao chất lượng công tác thẩm định và quyết định cấp tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra sau cho vay, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh.