Quan trọng là quản lý chất lượng tín dụng
Tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 | |
Vietcombank: Hướng tới ngân hàng đạt lợi nhuận tỷ USD |
Ảnh minh họa |
Thời gian qua Vietcombank đã xử lý nợ xấu như thế nào, thưa ông?
Phải khẳng định rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 42, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1058 và NHNN đã kịp thời có hướng dẫn triển khai chính sách lớn trên đã tạo điều kiện Vietcombank trong công tác xử lý thu hồi nợ xấu. Gần 2 năm qua, Vietcombank đã sử dụng tất cả những nguồn lực hiện có của mình để tập trung vào công tác xử lý thu hồi nợ xấu.
Chúng tôi xác định muốn xử lý nợ xấu hiệu quả, trước hết phải xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý và xử lý nợ có vấn đề để có cơ sở pháp lý, cũng như cơ sở để các cán bộ nhân viên ngân hàng thực hiện, phối hợp với các cấp các ngành xử lý tốt công tác thu hồi nợ xấu. Ban lãnh đạo yêu cầu các chi nhánh có nợ xấu từ 3% trở lên hoặc cụ thể là 50 tỷ đồng trở lên thì phải thành lập ban xử lý nợ xấu. Tại trụ sở chính chúng tôi phân công từng ủy viên HĐQT cũng như thành viên ban điều hành để chỉ đạo trực tiếp từng chi nhánh, thành lập từng tổ đặc biệt để xử lý vụ việc phức tạp trong công tác xử lý nợ xấu...
Nhờ các giải pháp đồng bộ, đến nay Vietcombank đã xử lý 22.800 tỷ đồng nợ xấu, đạt 76% kế hoạch đề án tái cơ cấu của Vietcombank giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, Vietcombank đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC. Đến cuối năm 2018, nợ xấu của Vietcombank chỉ còn hơn 7.000 tỷ đồng tương đương với tỷ lệ là 0,97%. Đây là tỷ lệ thấp nhất đối với các NHTM đến thời điểm hiện nay. Hiện nay quỹ dự phòng của Vietcombank đạt trên 160% so với tổng quy mô nợ xấu cho thấy tiềm lực tài chính của Vietcombank đang rất tốt.
Vietcombank dự kiến đưa tỷ lệ nợ xấu về con số nào, thưa ông?
Trong năm 2019, Vietcombank đặt chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và thu nợ đã xử lý dự phòng rủi ro là trên 3.500 tỷ đồng. Đây là mục tiêu đầy “tham vọng”, tuy nhiên Vietcombank tin tưởng sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra.
Thời gian tới, Vietcombank coi công tác quản lý chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của ngân hàng. Vietcombank quán triệt toàn hệ thống phương thức quản lý và xử lý nợ xấu theo hướng: nâng cao chất lượng thẩm định, kiên quyết không cạnh tranh cho vay bằng cách hạ chuẩn tín dụng; Thận trọng trong công tác chấm điểm và xếp hạng tín dụng đối với khách hàng, đặc biệt là các đối tượng tiềm ẩn rủi ro… Vietcombank chủ động rà soát lại danh mục nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro chuyển sang nợ xấu và phân nhóm khách hàng.
Với hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ chặt chẽ vừa phối hợp với bộ phận phê duyệt tín dụng, rủi ro để đánh giá những khoản nợ xấu có thể phát sinh sẽ giúp Vietcombank có thể xử lý sớm các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro. Qua đó Vietcombank hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng tín dụng của ngân hàng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất giúp cho việc xử lý nợ xấu của ngân hàng đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng, công tác xử lý nợ xấu sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Ông có thể nói cụ thể hơn những khó khăn đó?
Thực tế, nợ xấu xuất phát từ khó khăn của nền kinh tế nhưng đôi khi lại xuất phát từ các chính sách. Mà nợ xấu phát sinh từ chính sách xử lý vô cùng khó khăn. Chưa kể trong bối cảnh kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng đối với Việt Nam, những biến động từ kinh tế thế giới ảnh hưởng nhất định đến kinh tế Việt Nam chẳng hạn như những biến động về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…
Vì vậy, Chính phủ cần có những cảnh báo kịp thời cũng như đưa ra chính sách phù hợp đối với các ngành, lĩnh vực… Qua đó hỗ trợ các ngành nói riêng, nền kinh tế nói chung có đủ khả năng phòng đỡ những tác động từ bên ngoài. Đặc biệt, khi khó khăn xảy ra hướng xử lý thế nào cũng rất cần Chính phủ, các ngành kinh tế cùng tham gia mới xử lý khó khăn vướng mắc hiệu quả được.
Xin cảm ơn ông!