Quảng Bình: Khơi thông nguồn tín dụng cho doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Hải Lưu, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Bình chia sẻ, đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, ngay từ đầu năm 2024, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; đa dạng sản phẩm, dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở mục tiêu, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đầu năm 2024, NHNN chi nhánh Quảng Bình đã định hướng tăng trưởng tín dụng 15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp quý II/2024 ở Quảng Bình với chủ đề: “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp”. |
NHNN chi nhánh Quảng Bình thường xuyên chỉ đạo các TCTD cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, địa phương; tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Đặc biệt, chi nhánh đã làm việc với các TCTD trên địa bàn yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi và cho vay (gồm các khoản vay mới và các khoản vay còn dư nợ hiện hữu), nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Sau nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN và các biện pháp đồng bộ khác tại địa phương, mặt bằng lãi suất trên địa bàn Quảng Bình từ đầu năm 2024 đến nay tiếp tục trên đà giảm.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh Quảng Bình cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, số hóa nhiều nghiệp vụ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, hệ sinh thái số, thanh toán số trong thời gian qua đã được thiết lập và kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số, trong đó nhiều nghiệp vụ đã được số hóa hoàn toàn 100%.
TCTD trên địa bàn Quảng Bình đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; đa dạng sản phẩm, dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay. |
Đặc biệt, triển khai hiệu quả những nội dung tại thỏa thuận hợp tác giữa NHNN chi nhánh Quảng Bình và Hội Doanh nghiệp tỉnh, các bên chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của chuyển đổi số, đặc biệt là sử dụng dịch vụ ngân hàng số trong quản trị hoạt động của doanh nghiệp; Hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp với NHNN chi nhánh Quảng Bình trong việc tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.... Ngay tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp quý II/2024, NHNN chi nhánh Quảng Bình và Hội Doanh nghiệp tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Về phía các TCTD trên địa bàn Quảng Bình cũng tăng cường đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến về cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng bằng nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp hiểu và tiếp cận các chính sách, sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng.
Ông Lương Hải Lưu, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị. |
Theo số liệu từ NHNN chi nhánh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp, trong đó gần 2.000 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng với dư nợ 32.575 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng dư nợ. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn thị trường.
Đặc biệt, một điểm sáng của ngành Ngân hàng Quảng Bình trong thời gian qua, nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh kinh tế- xã hội và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Cao điểm trong tháng 5/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng lên đến 2,85%, sau khi xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu về mức 1,43% ngay trong tháng 6/2023 và đến 31/12/2023, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn còn 0,95%. Có thể nói đây là một thành quả rất lớn của ngành Ngân hàng Quảng Bình trong thời gian qua, đặt trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp rất khó khăn...
Tuy nhiên, tại Quảng Bình cũng như các địa phương khác trong cả nước, trong thời gian qua hoạt động cấp tín dụng của các TCTD vẫn còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do cầu tín dụng giảm và sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng. Khó khăn từ thị trường bất động sản cũng tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm doanh nghiệp bất động sản ở địa phương.
Ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu kết luận tại hội nghị. |
Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hệ thống báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thiếu tính minh bạch, đầy đủ nên chưa đáp ứng điều kiện cấp tín dụng theo quy định. Một số doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp khó khăn trong việc xây dựng đầy đủ hệ thống báo cáo tài chính cũng như tính minh bạch trong báo cáo, đây là rào cản làm cho doanh nghiệp khó được duyệt hồ sơ vay vốn...
Cũng tại gặp mặt doanh nghiệp quý II/2024, trên tinh thần dân chủ và cởi mở, đại diện một số doanh nghiệp ở địa phương cũng đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng; đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm tiếp tục giảm lãi suất cho vay, định giá chính xác tài sản thế chấp hiện nay, triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp…
Cũng theo ông Lương Hải Lưu, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp địa phương, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn của khách hàng theo hướng tinh gọn, trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, đồng bộ chứng từ trong hệ thống ngân hàng; áp dụng công nghệ vào quy trình cho vay, tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình vay vốn, giúp tăng tốc độ xử lý hồ sơ, gia tăng trải nghiệm khách hàng; Tiếp tục cắt giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số để nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.
NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Bình và Hội Doanh nghiệp tỉnh ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác. |
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp cũng cần tăng cường dụng công nghệ để quản trị doanh nghiệp, đặc biệt gia tăng sử dụng dịch vụ ngân hàng số nhằm tăng cường tính minh bạch, pháp lý của hệ thống sổ sách kế toán; đồng thời dễ dàng, thuận tiện khi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và nhận những chính sách ưu đãi về lãi suất, mức phí giao dịch...
Phát biểu kết luận tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp quý II/2024, với chủ đề: “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp”, ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu thời gian tới NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển. Về phía các hội và hiệp hội trong tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, chuẩn hóa hoạt động, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh những ngành nghề được khuyến khích để có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.