Quảng Nam: Tháo gỡ khó khăn cho kinh tế hợp tác
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 613 hợp tác xã đang hoạt động. Trong số đó, có hơn 400 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 35 hợp tác xã thuộc công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 20 hợp tác xã trong lĩnh vực giao thông vận tải, và số còn lại hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, môi trường và quản lý chợ…
Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã tại Quảng Nam đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, hướng đến việc cung cấp sản phẩm ra thị trường và xuất khẩu. Một số hợp tác xã cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, liên kết đa dạng với các thành phần kinh tế để mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên và định hướng phát triển bền vững.
Nhiều hợp tác xã đã đầu tư vào công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm như nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam (TP. Tam Kỳ), chè dây túi lọc của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dược liệu Tây Giang (huyện Tây Giang)... Tuy nhiên, sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động của các hợp tác xã bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là trong bối cảnh phần lớn các hợp tác xã còn quy mô nhỏ, cơ sở vật chất và nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Mô hình hợp tác xã du lịch ở TP. Hội An (Quảng Nam). |
Thị trường tiêu thụ của hợp tác xã chủ yếu là hộ gia đình và các đại lý nhỏ lẻ trong tỉnh. Hơn nữa, năng lực nội tại của hợp tác xã vẫn còn nhiều bất cập, từ việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho đến đội ngũ quản lý chủ yếu lớn tuổi, chưa năng động với thị trường; cơ sở vật chất cũng đang xuống cấp, trong khi công nghệ sản xuất còn lạc hậu.
Theo đại diện của Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Hồng 2 (thị xã Điện Bàn), mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, các hợp tác xã vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận do thủ tục phức tạp. Các chính sách hỗ trợ hiện nay còn rời rạc, hợp tác xã nào hưởng được chính sách này sẽ không được hưởng chính sách khác, trong khi nhu cầu của hợp tác xã lại rất đa dạng. Để gỡ khó, cần tạo điều kiện tiếp cận vốn linh hoạt, ưu tiên hỗ trợ cho hợp tác xã có nhu cầu chính đáng để phát triển sản xuất…
Nhằm tiếp sức cho hợp tác xã phát triển, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND, quy định một số cơ chế hỗ trợ kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025. Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh để giúp hợp tác xã quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường. Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu thành lập mới 40 đến 50 hợp tác xã, xây dựng 4 liên hiệp hợp tác xã và phối hợp với các địa phương trong tỉnh để triển khai ít nhất 2 mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, nhằm nâng cao doanh thu trung bình của các hợp tác xã từ 4% - 5% mỗi năm.
Quảng Nam sẽ rà soát, có thêm các chính sách để phát triển kinh tế hợp tác xã. |
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hợp tác xã là một thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, nhưng chất lượng và thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Để thúc đẩy vai trò của hợp tác xã, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và thành viên hợp tác xã hiểu rõ hơn về mô hình này, tránh hiểu lầm về các phương thức sản xuất truyền thống. Chính quyền cũng cần tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh thực hiện các chủ trương và chính sách đã ban hành, đồng thời rà soát, chỉnh sửa các văn bản không còn phù hợp để tạo điều kiện phát triển cho khu vực kinh tế hợp tác.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành, và các hội đoàn thể để theo dõi sát sao, lắng nghe những khó khăn mà hợp tác xã đang gặp phải. Đặc biệt, Quảng Nam sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách để đưa ra những đề xuất phù hợp nhằm hướng tới sự phát triển bền vững cho khu vực kinh tế tập thể, giúp các hợp tác xã sẵn sàng thích ứng trước những biến động không ngừng của nền kinh tế và thị trường.