Quy hoạch điện VIII: Cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng
Huy động 135 tỷ USD cho các dự án theo Quy hoạch điện VIII Khẩn trương hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII |
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia
Quy hoạch điện VIII đưa ra quan điểm sẽ phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.
Quy hoạch điện VIII nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia |
Đồng thời, Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền…
Về nhu cầu vốn đầu tư tới năm 2030, với vốn đầu tư công, theo Bộ Công Thương, nhu cầu vốn đầu tư cho các đề án/dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện khoảng 50 tỷ đồng; nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo khoảng 29.779 tỷ đồng. Đến nay, mới cân đối được khoảng 8.915,6 tỷ đồng (chiếm 30%); trong đó vốn ngân sách Trung ương cân đối được 7.351,9 tỷ đồng, vốn các địa phương và EVN khoảng 1.563,7 tỷ đồng. Vốn chưa cân đối được khoảng 20.857 tỷ đồng (chiếm 70%).
Vì vậy, toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải sẽ sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Tổng vốn đầu tư ước tính 3.223 nghìn tỷ đồng (tương đương 134,7 tỷ USD); trong đó đầu tư phần nguồn điện khoảng 2.866,5 nghìn tỷ đồng (119,8 tỷ USD) và đầu tư phần lưới điện truyền tải khoảng 356,5 nghìn tỷ đồng (14,9 tỷ USD).
Mục tiêu Quy hoạch điện VIII là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới. |
Theo đó, vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.366,2 nghìn tỷ đồng (57,1 tỷ USD), trong đó nguồn điện 1.150,9 nghìn tỷ đồng (48,1 tỷ USD) và lưới truyền tải 215,3 nghìn tỷ đồng (9,0 tỷ USD); vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 là 1.856,7 nghìn tỷ đồng (77,6 tỷ USD), trong đó nguồn điện 1.715,6 nghìn tỷ đồng (71,7 tỷ USD) và lưới truyền tải 141,2 nghìn tỷ đồng (5,9 tỷ USD).
Mở ra không gian phát triển mới
Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề để các địa phương trên cả nước, các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư tư nhân có cơ sở triển khai phát triển điện lực, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Bộ Công Thương đã chi tiết hóa nhiều nội dung của Quy hoạch điện VIII, trong đó đã xác định cụ thể tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên của ngành điện giai đoạn tới năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 để làm cơ sở triển khai, điều hành phát triển nguồn điện.
Đối với các dự án lưới điện truyền tải, đã xác định được giai đoạn vận hành cũng như hình thức đầu tư các dự án (nhà nước hoặc xã hội hóa) để làm cơ sở đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, đảm bảo đồng bộ với phát triển nguồn điện cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã xác định rõ 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng: Trung tâm 1 tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và khu vực lân cận (quy mô khoảng 2.000 MW); Trung tâm 2 tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và mở rộng lân cận trong tương lai.
Đối với nguồn điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét xác định cụ thể các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ được phát triển theo đúng quy mô phân bổ cho từng địa phương...
Đối với các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc khi xem xét, đánh giá tính pháp lý các dự án, đảm bảo không được phép hợp thức hóa các sai phạm.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Quy hoạch điện VIII có vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc định hướng phát triển ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và theo cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh của đất nước.