Quy hoạch mạng lưới đường sắt trong giai đoạn tới
Bộ Giao thông-Vận tải vừa tổ chức Lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/1/2021, có ý nghĩa quan trọng, cụ thể hóa các chiến lược phát triển đường sắt, kinh tế - xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 đã được Bộ chỉ đạo xây dựng, tuân thủ theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14. Quy hoạch đã xác định đường sắt là một chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Ảnh minh họa |
Quá trình lập quy hoạch, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo đồng bộ quy hoạch mạng lưới đường sắt với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan. Bộ cũng đã xin ý kiến và nhận được sự phối hợp, tham gia góp ý, phản biện của 17 bộ, cơ quan ngang bộ; 63 địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%). Hoàn thành nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 07 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362km. Trong đó triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.Hồ Chí Minh); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP.Hồ Chí Minh với Cần Thơ; kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.
Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km; trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, đây là lần đầu tiên 5 quy hoạch vận tải được thực hiện đồng thời. Điều này sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho việc đánh giá thế mạnh, tiềm năng của cả 5 lĩnh vực so với việc quy hoạch các lĩnh vực thường lệch nhau 1 - 2 năm như trước kia. Trong số 5 quy hoạch đã báo cáo Chính phủ, hiện đã có 3 quy hoạch được phê duyệt (đường bộ, hàng hải, đường sắt); còn Quy hoạch Đường thủy nội địa đã trình Thủ tướng dự thảo, Quy hoạch hàng không đã thông qua hội đồng thẩm định, tiếp thu ý kiến và báo cáo Chính phủ.
Theo Bộ Giao thông-Vận tải, Quy hoạch Đường sắt thời kỳ này có nhiều điểm mới như xác định tận dụng lợi thế của hàng hải để phát triển vận tải hàng hoá ven bờ biển Bắc - Nam; tập trung phát triển các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để vận tải hành khách cạnh tranh với hàng không. Quy hoạch xác định từ nay đến 2030 cần 240.000 tỷ đồng để thực hiện 2 nhiệm vụ: Cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có và nghiên cứu đầu tư 9 dự án mới (trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đường sắt kết nối cảng biển Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải, đường sắt đầu mối TP.Hà Nội), nếu đủ điều kiện sẽ khởi công một số đoạn.