Quyết định sinh - tử
Vốn không thiếu, quan trọng là khả năng hấp thụ |
Ngày 16/4/2020, Thống đốc NHNN Việt Nam đã có văn bản gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Thống đốc yêu cầu, số điện thoại đường dây nóng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các Hiệp hội DN trên địa bàn để DN, người dân biết. NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thành lập bộ phận thường trực để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của DN, người dân qua đường dây nóng. Giám đốc NHNN chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01 trên địa bàn…
Ảnh minh họa |
Thêm một văn bản nữa cho thấy ngành Ngân hàng rất quyết liệt trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Nhìn lại, từ khi xuất hiện dịch Covid -19 đến nay không tuần nào NHNN không có chỉ đạo đối với các TCTD trong triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Không phải “bỗng dưng” tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới đến nay đã đạt trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng và cho vay mới với doanh số cho vay là khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ đồng… Các TCTD đang chịu nhiều sức ép khi phải căng sức hỗ trợ khách hàng mà thiếu sự chia sẻ, thấu hiểu.
Có người nói DN đang rất cần “trợ thở”, nếu không nhanh, DN sẽ chết. Nhưng số lượng máy trợ thở của chúng ta có hạn - nguồn lực của ngân hàng không phải là vô biên. Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, tác động của dịch đối với dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện nay là khoảng 2 triệu tỷ đồng, tức 23% dư nợ hiện hữu của hệ thống ngân hàng có thể chịu tác động của dịch bệnh. Ngân hàng đang trong cảnh cùng lúc có hàng triệu “bệnh nhân” cần hỗ trợ. Do đó họ cần xem xét, cân nhắc khả năng của mình và cả thực trạng, tiên lượng về khả năng tồn tại của DN để đưa ra liệu trình điều trị (giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay; hay tổng hợp các giải pháp) thế nào cho phù hợp, hiệu quả. Thực tế, liệu trình điều trị không chỉ được áp dụng cho khách hàng mà cả ngân hàng. Các NHTM đã phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí (kể cả lương, thưởng của cán bộ, nhân viên), giảm NIM… để có thêm nguồn lực hỗ trợ ngân hàng.
Đơn cử, lãi suất cho vay đã giảm trước khi ngân hàng giảm lãi suất huy động. Các NHTM đã giảm lãi suất cho vay ít nhất là 0,5%, nhiều nhất đến 5% so với trước đây, áp dụng cho cả khoản vay cũ (khi lãi suất huy động còn cao) và khoản giải ngân mới. Trong khi đó, lãi suất huy động chỉ giảm nhẹ do ngân hàng vẫn phải đảm bảo mức lãi suất huy động thực dương mới có thể thu hút được người gửi tiền mới có vốn đáp ứng nhu cầu của DN. Câu hỏi khó trả lời: Liệu người gửi tiền có chấp nhận mức lãi suất huy động cũng giảm tương ứng với mức giảm của lãi suất cho vay để cùng hỗ trợ DN?
Ngành Ngân hàng đã và đang hy sinh lợi ích, chấp nhận rủi ro nợ xấu tăng để hỗ trợ khách hàng. Đã đến lúc cần chia sẻ khó khăn với ngân hàng, và có sự thấu hiểu khi họ đang chịu nhiều sức ép.
Dịch Covid -19 ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế, rất nhiều DN có nguy cơ phá sản. Mong muốn của chúng ta là tiếp sức DN, hỗ trợ họ nhanh chóng vượt qua khó khăn, vực dậy sản xuất kinh doanh. Nhưng, trong bối cảnh nguồn lực có hạn mà bệnh nhân quá đông thì, dù rất đau lòng chúng ta phải nhìn nhận thực tế là phải đưa ra quyết định sinh - tử: Ai sẽ được dùng máy “trợ thở”. Bởi ai cũng hiểu một thực tế là có những DN, dù có cứu trợ thế nào thì khả năng tồn tại sau dịch là rất thấp. Trong khi với ngân hàng, sức khỏe của họ lúc này cũng rất cần được quan tâm, bởi ngân hàng khỏe mới có thể trợ giúp được cho DN, cho nền kinh tế. Còn nếu cứ đòi hỏi hỗ trợ bừa bãi, rủi ro nợ xấu phát sinh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của các ngân hàng thì còn nguy hiểm hơn. Nói như vậy để thấy, việc yêu cầu ngân hàng phải nhanh chóng cứu tất cả khách hàng là… không thể.