Vốn không thiếu, quan trọng là khả năng hấp thụ
Nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp | |
Hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng | |
TP. Hà Nội: Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp |
Ngân hàng không thiếu vốn
Chia sẻ thông tin về chính sách hỗ trợ nền kinh tế, DN của ngành Ngân hàng tại Hội nghị “Áp dụng nền tảng số cho SMEs bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn - Thời kỳ hậu Covid-19” diễn ra vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, thời gian qua Chính phủ cùng với các bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt trong việc hỗ trợ DN ứng phó với các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trong đó ngành Ngân hàng là một trong những đơn vị đi tiên phong với nhiều giải pháp thiết thực.
Theo đó, NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả nợ gốc và lãi) và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí cho các khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tiếp sau Thông tư 01, cuối tháng 3/2020, Thống đốc NHNN lại ban hành Công điện số 02 với những chỉ đạo quyết liệt hơn, yêu cầu các ngân hàng tiết kiệm tối đa chi phí kể cả giảm lương thưởng, tạm thời chưa chia cổ tức… để giảm mạnh lãi suất cho khách hàng.
Các ngân hàng có thể giảm lãi suất, song không thể nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo an toàn nguồn vốn |
Các TCTD đã nghiêm túc thực hiện và đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay các ngân hàng giảm từ 0,5-2%/năm so với trước khi xảy ra đại dịch Covid -19. Chưa hết, trên cơ sở sức khoẻ tài chính của mình, các TCTD đăng ký tham gia chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô lên tới 300.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số 250.000 tỷ đồng được nêu tại Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả sau 1 tháng triển khai Thông tư 01, các ngân hàng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng được khoảng 29.800 tỷ đồng; miễn giảm lãi trên dư nợ 160.000 tỷ đồng với số tiền miễn giảm lãi khoảng 360 tỷ đồng. Đối với gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng, đến nay các ngân hàng đã cho vay được 180.000 tỷ đồng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp xây dựng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thiết bị y tế, nông nghiệp…
Thông tin thêm về gói hỗ trợ tín dụng này, ông Hùng khẳng định, quy mô gói tín dụng có thể nhiều hơn, vấn đề là khả năng hấp thụ của DN, nền kinh tế thế nào. Thực tế, xu hướng tín dụng đang tăng trưởng chậm lại. Theo đó, đến nay chỉ có dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,3%, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 1%. Trong khi các lĩnh vực khác đều ghi nhận dư nợ tín dụng giảm, trong đó dư nợ cho vay đối với DNNVV cũng giảm hơn 1%... “Lực hấp thụ vốn đối với nền kinh tế có chiều hướng giảm xuống. Các doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, xuất hàng, trả nợ, có nhu cầu mới vay tiếp”, ông Hùng lý giải tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho biết, ngân hàng không thiếu vốn. Hiện các ngân hàng cam kết cho vay tới 600 nghìn tỷ đồng, không chỉ còn ở mức 300 nghìn tỷ đồng như trước. Tuy nhiên hiện khả năng hấp thụ vốn của DN đang rất yếu. Bằng chứng là tín dụng quý I/2020 chỉ tăng 1,3%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng ở mức 3,2%. “Vấn đề hiện nay không phải lãi suất mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Thực tế, ngân hàng đã giảm sâu lãi suất mà tín dụng cũng không tăng được”, ông Lực nhận định.
DN cũng cần chia sẻ với ngân hàng
Nhìn chung giới chuyên gia và cộng đồng DN đều ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đồng hành cùng nền kinh tế chống dịch Covid-19. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính đánh giá, việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ chẳng những giúp cho DN không phải chịu lãi suất phạt quá hạn, mà còn không bị hạ điểm tín dụng, từ đó tạo điều kiện cho DN trong việc tiếp cận các khoản vay mới. Không những vậy các ngân hàng còn nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay 2%, thậm chí 4% so với trước khi xảy ra đại dịch đã hỗ trợ rất lớn cho các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, với tất cả các biện pháp mà ngành Ngân hàng đang triển khai như gói tín dụng 300 nghìn tỷ đồng với mức lãi suất giảm từ 1%-2,5%/năm; cộng với phần miễn giảm lãi suất, phí của các khoản nợ được cơ cấu lại; miễn giảm phí thanh toán… tính chung hệ thống ngân hàng đã chia sẻ 28.000 - 30.000 tỷ đồng, bằng nửa gói 62 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ trực tiếp chi từ ngân sách ra.
Tuy nhiên, vẫn còn DN phản ánh chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ tín dụng và cơ chế hỗ trợ tại Thông tư 01. Thừa nhận thực tế này, song theo ông Hùng Thông tư 01 mới ban hành được 1 tháng, để triển khai được các TCTD phải tiến hành rà soát đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng khách hàng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp và cũng hạn chế các trường hợp trục lợi. “Nhiều loại hình DN cùng với các mức hỗ trợ đa dạng nên ngân hàng không thể làm nhanh được”, ông Hùng giải thích.
Còn với gói hỗ trợ tín dụng, đây không phải là gói hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước mà hình thành từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Để có thể giảm được lãi suất, các ngân hàng phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thậm chi cắt giảm lương thưởng của đội ngũ cán bộ nhân viên. “DN vay vốn với lãi suất thấp hơn không có nghĩa là không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được hiệu quả dự án, dòng tiền trả nợ... Đây là vốn ngân hàng huy động của dân để cho vay, không phải vốn của ngân sách. Vì vậy, cho vay phải thu hồi được cả vốn và lãi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, DN cần phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh; rà soát lại, đánh giá phương án sản xuất kinh doanh nào có hiệu quả thì mạnh dạn đặt vấn đề với ngân hàng. Nếu thiếu tài sản đảm bảo, thì DN nên để ngân hàng quản lý dòng tiền thì chắc chắn không ngân hàng nào từ chối cho vay.
Đồng tình như vậy, song để triển khai các gói tín dụng hiệu quả, theo quan điểm TS. Cấn Văn Lực, cần sự đồng hành của nhiều phía từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương trong việc hỗ trợ DN cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Riêng đối với Thông tư 01, TS. Cấn Văn Lực đề xuất NHNN hướng dẫn chi tiết hơn một số quy định như tiêu chí, điều kiện được áp dụng để các TCTD dễ dàng và thuận lợi trong việc triển khai. Chẳng hạn, để nằm trong đối tượng thụ hưởng chính sách thì quy mô DN ở mức độ như thế nào, doanh thu DN giảm bao nhiêu phần trăm 20% hay 30%, 40%…