Quyết tâm hỗ trợ các động lực tăng trưởng, GRDP quý II của Vĩnh Phúc tăng 3,76%
1 tháng 15 cuộc họp tháo gỡ khó khăn
Với độ mở lớn, khu vực FDI chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GRDP nên kinh tế Vĩnh Phúc chịu tác động mạnh từ kinh tế thế giới. Nhưng với quyết tâm cao, cách làm quyết liệt nên sau “cú sốc” rơi vào top 5 địa phương tăng trưởng âm ở quý I/2023, sang đến quý II, tăng trưởng kinh tế ở Vĩnh Phúc đã phục hồi tích cực. Ước tăng trưởng GRDP quý II của tỉnh đạt 3,76%...
Do tăng trưởng GRDP quý I/2023 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP của Vĩnh Phúc tăng 1,69%.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 20 sơ kết 6 tháng 2023 |
Sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế ở Vĩnh Phúc nhìn thấy rõ ở ngành sản xuất linh kiện điện tử (ngành có đóng góp cao nhất vào cơ cấu GRDP), với quý I tăng 6%, 6 tháng đầu năm tăng lên 14,17%; trong đó, tháng 4 tăng 19,13%, tháng 5 ước tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023.
“Kinh tế Vĩnh Phúc phục hồi, trước hết là nhờ các tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ về chính sách đất đai, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, miễn giảm thuế trước bạ, giảm lãi suất vay... và nhờ quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành cho biết.
Để đưa kinh tế phục hồi, Vĩnh Phúc đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư. Nhiều hội nghị giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các cấp, các ngành, doanh nghiệp được tổ chức. Chỉ riêng trong tháng 5, UBND tỉnh đã tổ chức 15 cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hàng chục cuộc làm việc, tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng điện.
Đồng thời, tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Khu công nghiệp hiện đại kiểu mẫu Sông Lô II đã khởi công ngày 25/6/2025. |
Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai các chỉ đạo, kết luận của Trung ương và của tỉnh; tập trung cao độ, triển khai quyết liệt, bài bản cho việc triển khai các Chương trình, Kế hoạch, Đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; triển khai sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch; tập trung cao độ cho công tác kiểm tra, giám sát, rà soát các lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực đất đai, môi trường, đô thị, đầu tư,...
Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó giao 95 chỉ tiêu và 113 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Nỗ lực vượt khó, phản ứng kịp thời
Có thể nói Vĩnh Phúc là một thực tiễn đáng ghi nhận khi từ tăng trưởng âm đã nhanh chóng phục hồi và bật dậy. Cách làm mạnh bạo và cũng là kinh nghiệm của Vĩnh Phúc, đó là định hướng đúng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cách làm sáng tạo và đồng thuận.
“Tinh thần của chúng tôi là quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nắm chắc tình hình thực tiễn để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Chúng tôi đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, địa phương”, ông Lê Duy Thành cho biết.
Để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc chi hơn 3.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương |
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng của cả nền kinh tế đều giảm sút, Vĩnh Phúc đã khắc phục bất cập, duy trì các động lực tăng trưởng.
Ngay như đầu tư công, ngay từ cuối năm 2022, tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách năm 2023 cho các cấp, các ngành, các chủ đầu tư và chủ động bổ sung, phân bổ sớm nguốn vốn từ ngân sách địa phương chi cho đầu tư phát triển để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã bổ sung từ ngân sách địa phương hơn 3.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển. Đến nay, tỉnh đã giao chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 hơn 10,8 nghìn tỷ đồng. Ước giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,88 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao, đạt cao so với bình quân chung của cả nước và so với các năm gần đây.
Tuy nhiên, nhìn lại cả 6 tháng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt thấp, chỉ đạt 1,69%, nên tăng trưởng năm 2023 của tỉnh khó đạt mục tiêu theo kế hoạch.
Và các khó khăn, thách thức phía trước rất lớn. Tình hình thế giới còn nhiều biến động phức tạp, khó lường sẽ tiếp tục có ảnh hưởng xấu tới kinh tế trong nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế.
Tại Hội nghị lần thứ 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025 hôm 21/6/2023, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan đã xác định: 6 tháng cuối năm, Vĩnh Phúc quyết tâm và nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu ở mức cao nhất.
Tại Hội nghị, những nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm đã được đặt ra với những mục tiêu cụ thể. Theo đó, sẽ tập trung để thúc đẩy các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và doanh nghiệp; đồng thời quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cấp bách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đơn cử như quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành để hoàn thành kế hoạch đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công của ngân sách các cấp phải đạt từ 95% kế hoạch vốn giao trở lên.
Thúc đẩy các hoạt động thương mại dịch vụ, thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Đảm bảo đầy đủ nguồn cung điện cho sản xuất, sinh hoạt. Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư FDI, DDI, tập trung đầu tư hoàn thành các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu giảm thời gian thực hiện các thủ tục so với quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức và công dân. Quyết liệt triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cơ bản giải quyết các vướng mắc tồn tại các dự án chuyển tiếp năm 2022.
Bên cạnh những quyết tâm và nỗ lực của chính mình, Vĩnh Phúc đề nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách phục hồi kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước trong khu vực.
Đồng thời tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về liên quan đến giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đối với các dự án sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư công và khu vực phát triển đô thị…
Những kết quả nổi bật của Vĩnh Phúc trong 6 tháng đầu năm: Thu ngân sách gần 16.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 2.900 tỷ đồng, đạt cao so với bình quân chung cả nước. Thu hút 360 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 89,9% kế hoạch 2023 Thu hút hơn 11 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 2,2 lần so với kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng gần 39,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,14% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh đang triển khai quyết liệt Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Giải quyết việc làm cho gần 11.000 lao động, đạt gần 68% kế hoạch năm. |