Rà soát toàn bộ hoạt động xuất khẩu gạo
Thống nhất “rà lại rồi tính”
Theo một thành viên trong đoàn liên ngành, đại diện các bộ ngành liên quan sẽ phải đánh giá tác động của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu lúa gạo năm 2020.
Trước đó, Bộ Công thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo để đề phòng an ninh lương thực quốc gia trước đại dịch Covid-19, sau đó chính bộ này lại xin dừng quyết định dừng xuất khẩu gạo của mình.
Tín dụng ngân hàng nhiều năm qua luôn là bệ đỡ cho nông dân và DN xuất khẩu gạo |
Các DN xuất khẩu lúa gạo cho rằng số lượng gạo tồn kho ở trong dân còn rất lớn và tình hình xuất khẩu trong tháng 3 có thể không tăng mạnh như dự báo. Vì vậy, nếu ngưng xuất khẩu gạo đột ngột có thể khiến giá lúa rớt mạnh, người nông dân và DN đều sẽ chịu thiệt hại. Thậm chí, các DN và người dân đang vay nợ ngân hàng để sản xuất – chế biến kinh doanh lúa gạo đứng trước nguy cơ sẽ không trả được nợ, phát sinh nợ xấu ngay trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng bởi hạn mặn và dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trước khi kiến nghị Chính phủ ngừng xuất khẩu gạo, bộ nhận định dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hạn mặn xảy ra phổ biến ở khu vực ĐBSCL và nhu cầu lương thực thế giới tăng cao. Trong khi đó, hết tháng 2/2020 các DN Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 928.500 tấn gạo với giá trị đạt khoảng 430,3 triệu USD, tăng 31,6% về lượng và 39,3% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Nếu tốc độ xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (32%) như 2 tháng đầu năm thì có thể các tháng tới Việt Nam sẽ đối diện với rủi ro thiếu gạo.
Theo lý giải của Bộ Công thương khi kiến nghị dừng xuất khẩu gạo bộ đã đánh giá tác động và đưa ra hai phương án: Thứ nhất là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến giữa tháng 5. Thứ hai, đưa ra chế độ giấy phép, miễn làm sao kiểm soát xuất khẩu, vừa đảm bảo tiến độ hợp đồng đã ký và đảm bảo an ninh lương thực. Sau khi cân nhắc, Thủ tướng Chính phủ đã chọn phương án thứ nhất.
Tín dụng ngành lúa gạo vẫn tăng
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi triển khai chỉ đạo, các DN tỏ ra lo ngại vì các hợp đồng đã ký với đối tác nhập khẩu nếu giãn tiến độ sẽ phải bồi thường. Chưa kể, các DN hầu hết đều đang phải vay vốn ngân hàng theo hạn mức và dòng tiền kinh doanh xuất khẩu. Nếu việc xuất khẩu bị dừng đột ngột sẽ khiến nhiều DN không thể trả nợ kịp thời dẫn đến phát sinh nợ quá hạn.
Theo số liệu thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 2/2020 tổng dư nợ cho vay ngành lúa gạo đạt khoảng 112.453 tỷ đồng, tăng 0,37% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay trồng lúa đạt khoảng 29.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo (bao gồm cả xuất khẩu gạo) đạt trên 71.600 tỷ đồng; dư nợ cho vay phục vụ chế biến, bảo quản lúa gạo đạt khoảng 11.800 tỷ đồng. Riêng ở khu vực ĐBSCL hiện dư nợ cho vay đối với ngành lúa gạo đang chiếm khoảng 46% tổng dư nợ cho vay lúa gạo của cả nước, ước đạt khoảng trên 51.500 tỷ đồng, tăng 10,7% so với 2019.
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 3 của UBND TP. Cần Thơ ngày 26/3, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Cần Thơ cho biết, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã cho vay xuất khẩu gạo hơn 7.700 tỷ đồng, nếu Bộ Công thương không giải quyết được vấn đề dừng xuất khẩu gạo các nguy cơ nợ xấu sẽ phát sinh hơn nữa.
Tính đến cuối tháng 2/2020, 14 ngân hàng có dư nợ cho vay xuất khẩu gạo, trong đó Vietcombank và VietinBank có dư nợ xuất khẩu gạo lớn nhất, lần lượt 5.200 tỷ đồng và 3.324 tỷ đồng. Các NHTM khác đã cho vay khoảng 10.154 tỷ đồng để phục vụ hoạt đồng xuất khẩu gạo của các DN trong nước.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng còn cho vay ưu đãi lãi suất theo Quyết định 68/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp, tính đến đầu năm nay dư nợ đã lên đến 2.850 tỷ đồng. Hầu hết những khoản vay này là người nông dân, DN thuộc ngành sản xuất, chế biến – xuất khẩu gạo.
NHNN mới đây đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là cơ sở pháp lý quan trọng cho các ngân hàng gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất cho vay đối với những cá nhân, DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có những DN trong ngành lúa gạo. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, trong thời gian tới để hỗ trợ các DN ngành lúa gạo, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho vay sản xuất kinh doanh, thu mua, tạm trữ lúa gạo; đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ; tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
Theo số liệu thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 2/2020 tổng dư nợ cho vay ngành lúa gạo đạt khoảng 112.453 tỷ đồng, tăng 0,37% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay trồng lúa đạt khoảng 29.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo (bao gồm cả xuất khẩu gạo) đạt trên 71.600 tỷ đồng; dư nợ cho vay phục vụ chế biến, bảo quản lúa gạo đạt khoảng 11.800 tỷ đồng. |