“Rào cản” phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Phát triển kinh tế TP.HCM: Nguồn lực từ kiều bào là rất quan trọng Tín dụng tăng 2,43%, kinh tế TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng |
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là “lõi” phát triển về kinh tế, tài chính, thương mại và đóng vai trò tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực. Trong xu hướng mới hiện nay, chiến lược phát triển kinh tế của thành phố phải đảm bảo được mục tiêu thu hút các nguồn lực từ tài chính đến con người; phải gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững kết hợp với nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên tiềm năng và vị thế sẵn có. Mặc dù chỉ chiếm 8% diện tích và 17% dân số cả nước, nhưng trong nhiều năm qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 40%; tăng trưởng kinh tế trung bình gấp hơn 1,5 lần so với cả nước. Ngoài ra, vùng còn đóng góp hơn 44% tổng thu ngân sách của cả nước, thu hút 56% số dự án và 45% số FDI vào Việt Nam.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang phải đối mặt với nhiều rào cản, thách thức |
“Tuy nhiên, đến nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn chưa thực hiện hiệu quả việc liên kết vùng, kết nối chưa đồng bộ, cơ chế, chính sách cho phát triển vùng chưa tạo được đột phá trong quản lý; chiến lược và quy hoạch vùng còn nhiều bất cập, trùng lặp. Không những vậy, đây còn là nơi bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển xâm lấn, có nhiều khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực. Để khắc phục những điểm yếu này và hướng đến phát triển lâu dài, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy để tạo nền tảng bền vững” - PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo chia sẻ thêm thông tin.
Cùng với đó, thực tế, hiện nay vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang phải đối mặt với nhiều “rào cản”, thách thức như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân bị chậm lại kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra; tỷ trọng sản xuất công nghiệp - xây dựng và dịch vụ của vùng trong cơ cấu chung cả nước chưa có đột phá so với trước đây. Kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay của vùng đang tồn tại nhiều vấn đề như các sân bay bị quá tải, các bất cập về cảng biển nước sâu để đón tàu tải trọng lớn, giao thông đường bộ thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Cùng với đó, nguồn vốn ngân sách còn được phân bổ chưa hợp lý, điều tiết ngân sách ở Trung ương còn ở mức thấp; hay những vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn nguyên vật liệu…
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là làm thế nào để thu hút các nguồn lực nhằm cải thiện tính linh hoạt trong sản xuất; rút ngắn thời gian giữa các quy trình sản xuất, rút ngắn khoảng cách giữa các chuỗi cung ứng với thị trường. TP.HCM với vai trò “đầu tàu” cần phải xây dựng mạng lưới cùng các địa phương khác phát triển; các địa phương trong vùng cũng cần liên kết với nhau chặt chẽ hơn để tạo ra sự đồng bộ với mục tiêu phát triển chung, hướng đến nền kinh tế bền vững tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của thành phố là hướng tới tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ và giảm tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng. Dự kiến vào năm 2025, thành phố này sẽ trở thành đô thị thông minh, dịch vụ và công nghiệp hiện đại, duy trì vai trò dẫn đầu trong kinh tế và là động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Thành phố sẽ đi đầu trong đổi mới sáng tạo, với chất lượng sống cao, văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó nhấn mạnh, TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác cần tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh. Báo cáo của Bộ Công thương cũng đã chỉ ra một số “rào cản”, thách thức trong quá trình phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh riêng. Có thể kể đến như nền tảng công nghệ vẫn còn lạc hậu, mức đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp ở Việt Nam nhỏ hơn 0,5% doanh thu (trong khi đó, Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%...); tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ khoảng 10% trong 5 năm vừa qua (trung bình các nước khác trong khu vực là 15-20%). Cùng với đó, khả năng khai thác lợi thế cạnh trạnh của các vùng, khu công nghiệp còn thấp; liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, cũng như sự dẫn dắt của các vùng kinh tế trọng điểm còn rất mờ nhạt.