Kỳ vọng từ những thay đổi tích cực
Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng tăng tốc vào cuối năm Xuất khẩu dừa kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD năm 2024 |
Bước nhảy vượt bậc trong xếp hạng quốc tế
Sau hơn hai năm ứng phó với những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp lại tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do những biến động khó lường trên toàn cầu, đặc biệt là chi phí tăng cao và nhu cầu của các thị trường đối tác lớn sụt giảm. Trong nước, sức mua cũng tăng chậm và niềm tin kinh doanh có xu hướng giảm sút, sản xuất kinh doanh khó khăn, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung. Để đối phó với tình hình này, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt và quyết liệt nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Nhờ những nỗ lực như vậy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 đều cơ bản hoàn thành, một số kết quả đạt được vượt chỉ tiêu đề ra, như chỉ tiêu năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế (dự kiến cả năm khoảng 7%, mức cao so với khu vực và thế giới).
Các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao kết quả đạt được và nâng hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2024, với sự cải thiện mạnh mẽ được ghi nhận trong các chỉ số quốc tế quan trọng. Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử 2024 của Liên Hợp Quốc, chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được xếp thứ 71/193, tăng 15 bậc so với xếp hạng trước đó (từ vị trí thứ 86 vào năm 2022). Kết quả này vượt xa mục tiêu mà Chính phủ đề ra (tăng 5 bậc vào năm 2025). Thành tựu này được xây dựng trên nền tảng cải cách hành chính mạnh mẽ, đặc biệt là việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Cùng với đó, chỉ số Tự do kinh tế 2024 của Heritage Foundation xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 59/184 quốc gia trên toàn cầu (và xếp hạng 11 trong số 39 quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương). Với mức 62,8 điểm, điểm tự do kinh tế của Việt Nam hiện cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Đặc biệt, theo báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53; Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36. Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình có cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013; đồng thời cũng là một trong ba quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển khi trong 14 năm liên tiếp, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển.
Chỉ số Tự do kinh tế 2024 của Heritage Foundation đánh giá về Việt Nam |
Vượt thách thức, tiếp tục tiến lên
Việt Nam cũng là điểm sáng trong thực hiện phát triển bền vững (SDGs). Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng trong giai đoạn 2016 - 2024, theo xếp hạng chỉ số SDGs các năm của Liên hợp quốc. Cụ thể, Việt Nam từ xếp hạng 88/149 nước năm 2016 đã tăng lên vị trí 54/166 quốc gia được xếp hạng năm 2024. Về điểm số, năm 2024, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam đạt 73,32 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu SDGs, từ giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục đến bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, về chỉ số An toàn thông tin mạng (theo xếp hạng chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI) của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU), Việt Nam là một trong 46 quốc gia được xếp vào Nhóm 1 (hay Bậc 1, có điểm số từ 95 - 100, là bậc cao nhất trong 5 bậc xếp hạng. Bậc này áp dụng cho các quốc gia "làm gương", thể hiện cam kết mạnh mẽ trong cả năm trụ cột an ninh mạng) trong năm 2024.
Bên cạnh những thành tựu, Việt Nam vẫn đối mặt với một số hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Đáng chú ý trong năm 2024, một số xếp hạng của Việt Nam giảm bậc. Chẳng hạn, chỉ số Năng lực phát triển du lịch do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá chỉ xếp thứ 59, giảm 3 bậc so với năm xếp hạng trước đó (năm 2021). Tương tự, chỉ số Quyền tài sản (theo xếp hạng chỉ số Quyền tài sản quốc tế IPRI của Liên minh Quyền tài sản) xếp thứ 85, giảm 1 bậc so với năm 2023, có nguy cơ không đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2025, chỉ số IPRI tăng ít nhất 2 bậc)... Đây là các vấn đề cần chú trọng triển khai cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới.
Những bước tiến đáng kể của Việt Nam trong năm 2024 là minh chứng cho những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Tuy nhiên, dự báo năm 2025, kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn và cơ hội đan xen, đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm lớn hơn để tiếp tục tiến lên.
Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm để củng cố niềm tin và tạo động lực mới cho doanh nghiệp. Kỳ vọng tại Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 (Nghị quyết 02) được Chính phủ ban hành trong vài ngày tới đây, sẽ đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, trong đó bao gồm việc nâng cao thứ hạng các chỉ số quốc tế, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế pháp lý và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư…Việc duy trì và nâng cao vị thế đã có sẽ tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng. Những thành tựu đạt được sẽ không chỉ là minh chứng cho sự đồng lòng của cả nền kinh tế mà còn là động lực để Việt Nam vươn xa hơn, sẵn sàng cho Kỷ nguyên vươn mình và trở thành một hình mẫu trong khu vực Đông Nam Á về đổi mới và phát triển bền vững.