Rốt ráo hơn trong tín dụng nhà ở xã hội
Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP), đến tháng 11/2018, cả nước có 59 tỉnh, thành thực hiện cho vay nhà ở xã hội (NƠXH) thông qua hệ thống VBSP. Trong đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mỗi nơi mới chỉ giải ngân được khoảng gần 10 tỷ đồng. Các địa phương tích cực khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng… do nguồn vốn cho vay hạn chế nên mỗi nơi cũng mới chỉ cho vay được khoảng 12-40 tỷ đồng cho các đối tượng khách hàng đủ tiêu chuẩn vay vốn.
Ảnh minh họa |
Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc VBSP chi nhánh TP.HCM cho biết, đến đầu tháng 12/2018, đơn vị này mới chỉ giải ngân được cho 2 trường hợp khách hàng vay vốn sửa chữa NƠXH và 9 trường hợp vay vốn mua nhà tại các dự án có sẵn của các DN bất động sản. Sở dĩ việc giải ngân diễn ra khá chậm là vì nhiều khách hàng vay vốn mua NƠXH tại các dự án có sẵn trên địa bàn TP.HCM nhưng các dự án này lại đang bị chủ đầu tư thế chấp để vay vốn tại các NHTM khác vì vậy VBSP không thể giải quyết cho vay mà chỉ có thể xem xét giải ngân ở một số dự án không bị chủ đầu tư thế chấp vay vốn ở nơi khác.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc VBSP, tiến độ giải ngân vốn vay NƠXH như vậy là phù hợp. Bởi ngân sách Nhà nước cấp cho VBSP để thực hiện cho vay NƠXH giai đoạn 2016-2020 là 1.163 tỷ đồng, đơn vị huy động đối ứng thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa sẽ đạt con số trên 2.300 tỷ đồng. Riêng năm 2018, VBSP sẽ đảm bảo giải ngân 1.000 tỷ đồng. Như vậy căn bản sẽ giải ngân xong theo kế hoạch.
“Chúng tôi rất muốn đẩy vốn nhanh nhưng phải cân nhắc trên nhiều mặt. Cho vay nhanh dễ xảy ra sai sót, dễ sai đối tượng. Thời gian tới bên cạnh việc cho vay các hồ sơ đủ điều kiện, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền và chỉ đạo các chi nhánh phối hợp chặt chẽ với các Liên đoàn Lao động tỉnh để nắm bắt nhu cầu của người lao động, từ đó chuẩn bị nhân vật lực đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng”, ông Lý nói.
Theo phân tích của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay nguồn vốn vẫn là điểm nghẽn chính khiến các địa phương khó đẩy mạnh tín dụng NƠXH. Đơn cử như Hà Nội, và TP.HCM chỉ được phân bổ 50 tỷ đồng trong năm 2018 là quá nhỏ so với nhu cầu.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Châu, pháp lý cho việc phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 (theo Nghị quyết 1023/2015 của UBTV Quốc hội) đã không đề cập “Chương trình mục tiêu quốc gia về NƠXH”. Vì thế, Bộ Tài chính không có cơ sở để chi ngân sách. Kết quả là các chủ đầu tư dự án NƠXH và đa số người mua nhà đều phải vay tín dụng theo lãi suất thương mại. “Chẳng hạn, người mua NƠXH tại dự án của Công ty Nam Long ở Quận 9 – TP.HCM được vay ngân hàng lãi suất 9%/năm, chủ đầu tư hỗ trợ 2% lãi suất trong 2 năm đầu. Từ năm thứ 3 trở đi phải trả lãi từ 9% hoặc điều chỉnh theo niên độ. Như thế là bất hợp lý”, ông Châu ví dụ.
Hiện nay HoREA đã chấp thuận chủ trương dành thêm 60.000 m2 tại 7 quận, huyện để xây dựng NƠXH và đang tiến hành các thủ tục đấu thầu tìm nhà đầu tư. Vì vậy các điểm nghẽn về nguồn vốn và pháp lý như kể trên cần nhanh chóng tháo gỡ để thu hút DN đầu tư các dự án NƠXH mới, tạo thêm nguồn cung nhà giá rẻ.
Đồng tình quan điểm trên, ông Hà Quang Hưng - Cục Quản lý nhà và bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng để đẩy mạnh nguồn vốn cho vay NƠXH trong năm 2019 Chính phủ cần rốt ráo thực hiện một số nội dung cụ thể. Theo đó, cần lập kế hoạch cho vay NƠXH, nhà ở cho công nhân hàng năm và lập kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất cho các NHTM thực hiện cho vay NƠXH ngoài VBSP…
Trong khi đó, đứng ở phía người mua nhà, TS. Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM) cho rằng, hiện nay các quy định về thủ tục tiếp cận NƠXH còn quá phức tạp. Việc bắt buộc người mua nhà phải có thu nhập từ 9 triệu đồng trở xuống và phải có cơ quan chức năng xác nhận thu nhập là quá cứng nhắc. Các điều kiện bắt buộc để được vay vốn ưu đãi như: phải gửi tiết kiệm tại VBSP ít nhất 1 năm, căn hộ mua phải không bị chủ đầu tư thế chấp… là quá khắt khe và gây khó khăn cho người mua nhà. Vì thế, bên cạnh việc cởi mở nguồn vốn đầu tư các dự án NƠXH thì các thủ tục tiếp cận vay vốn cũng cần được đơn giản hóa tối đa.