Sáng 15/8: Tỷ giá trung tâm giảm 6 đồng
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/8 |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.254 đồng, giảm 6 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua - bán USD tại tất cả các ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 50-100 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.820 VND/USD (thấp hơn 70 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.900 VND/USD (thấp hơn 70 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất đang ở mức 25.190 VND/USD ((thấp hơn 70 đồng)), giá mua cao nhất đang ở mức 25.350 VND/USD (thấp hơn 58 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 102,627 điểm, giảm 0,003 điểm so với thời điểm mở cửa.
USD giảm giá trong khi euro ở gần mức cao nhất trong 8 tháng, sau khi dữ liệu mới được công bố cho thấy mức tăng lạm phát của Mỹ đang chậm lại, củng cố cho đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất vào tháng tới.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, CPI toàn phần tăng 2,9% so với cùng kỳ trong tháng 7, giảm tốc từ mức tăng 3% trong tháng 6 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021. So với tháng 6, CPI tháng 7 tăng 0,2%.
Trong một cuộc khảo sát trước đó, các nhà phân tích cũng dự báo CPI toàn phần tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,2% so với tháng trước trong tháng 7.
CPI lõi, thước đo lạm phát đã loại trừ hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, tăng 0,2% so với tháng 6 trong tháng 7. Mức tăng này cũng phù hợp với dự báo.
Các số liệu này, cùng với mức tăng nhẹ của giá bán nhà sản xuất (PPI) trong tháng 7, cho thấy lạm phát đang có xu hướng giảm, mặc dù các nhà giao dịch hiện đang dự đoán Fed sẽ không cắt giảm lãi suất mạnh tay như họ từng hy vọng.
Josh Chastant, giám đốc danh mục đầu tư thị trường công tại GuideStone Funds, cho biết cả dữ liệu CPI và PPI của Mỹ đều cho thấy Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 9.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường hiện đang dự đoán 64% khả năng Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản và 36% khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9. Đồng thời, thị trường cũng dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 100 điểm cơ bản trong năm nay.
Kyle Chapman, nhà phân tích thị trường ngoại hối tại Ballinger Group, cho rằng: "Fed đang có đủ cơ sở cần thiết để tự tin cắt giảm lãi suất".
Thị trường hiện đang tập trung vào dữ liệu bán lẻ của Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Năm.
Ở những nơi khác, euro giảm 1,02% xuống mức 1,1010 USD. Đồng tiền này đã tăng 0,86% kể từ đầu tuần và đang hướng đến mức tăng hàng tuần mạnh nhất trong hơn 1 tháng.
Bảng Anh giao dịch ở mức 1,2832 USD, tăng 0,02% sau khi giảm trong phiên trước đó do chỉ số CPI của Anh thấp hơn dự kiến đã hỗ trợ kỳ vọng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Ở châu Á, đồng yên giao dịch ở mức 147,49 USD, giảm 0,11% sau khi dữ liệu được công bố cho thấy nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn dự kiến ở mức 3,1% trong quý II, phục hồi so với quý trước do tiêu dùng tăng mạnh.
Các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao việc quyết định từ chức vào tháng tới của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, mặc dù các nhà phân tích cho biết tin tức này có tác động không nhiều đến thị trường.
Đô la New Zealand giao dịch ở mức 0,6004 USD, tăng 0,13% sau khi giảm hơn 1% trong phiên trước, hiệu ứng từ việc Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống 5,25% - lần nới lỏng đầu tiên của ngân hàng này kể từ đầu năm 2020.
Đô la Úc tăng 0,24% lên mức 0,6614 USD, trước khi dữ liệu lao động của quốc gia này được công bố có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA).
Theo Kristina Clifton, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn dự kiến có thể khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của RBA trong năm nay và hỗ trợ đô la Úc.