Nỗ lực đưa vốn ra nền kinh tế
Phát huy đầu tư tư nhân để nâng chất tăng trưởng Kinh tế tiếp tục phát triển tích cực, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm |
Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng
Việc tín dụng cải thiện rõ nét trong thời gian qua, theo đánh giá của giới chuyên môn, bên cạnh nền kinh tế phục hồi tích cực, một phần cũng nhờ mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức hợp lý. Ở góc độ cơ quan quản lý, từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời, tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Về phía các NHTM cũng cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế khi liên tục tung ra nhiều chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tận tín dụng thuận lợi với chi phí hợp lý.
Đơn cử như tại Agribank, Chủ tịch HĐTV Phạm Đức Ấn cho biết, ngân hàng triển khai 14 chương trình, sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới, trong đó có 9 chương trình đối với khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, Agribank tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khá tích cực, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát thông tin, ACB đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu năm để tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng. Ngân hàng kiểm soát chi phí đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, đồng thời kết nối với doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề như xây dựng, dệt may, xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Với những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, NHNN, sự nỗ lực của các NHTM, đã hỗ trợ cho việc hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng trở lại. Bên cạnh đó, với việc Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có hiệu lực, giới chuyên môn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ an toàn, bền vững hơn khi các điều khoản tại luật hướng đến việc tạo thuận lợi cho người mua nhà. Ví như: chủ đầu tư dự án BĐS chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; việc thanh toán được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc... Đặc biệt để góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên 1 triệu nhà ở xã hội đến năm 2030, quy mô gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội lên thành 140.000 tỷ đồng với những điều khoản thay đổi chính sách ưu đãi có lợi cho người mua nhà.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng tín dụng còn đến từ sự khởi sắc trong hoạt động thu hút FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp. Những thay đổi trong Luật TCTD cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi các quy định theo hướng phát triển bền vững hệ thống ngân hàng, nâng cao tính minh bạch, phát triển tín dụng tiêu dùng. Hay như Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, để thúc đẩy tín dụng, khách hàng vay vốn ngân hàng từ 100 triệu đồng trở xuống không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Các quy định này nhằm phù hợp với việc phát triển tín dụng tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục đơn giản, qua đó hạn chế “tín dụng đen”.
Trong báo cáo mới nhất, Công ty chứng khoán VPBank (VPBS) nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm. Động lực tăng trưởng tín dụng có thể đến từ lĩnh vực bất động sản. Đây là lĩnh vực hoạt động quan trọng và hấp dẫn đối với việc cho vay của các nhà băng, do nhu cầu cao và ổn định, tài sản thế chấp mạnh, giúp giảm rủi ro nợ xấu.
Tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với đảm bảo chất lượng tín dụng |
Tăng “lượng” phải chú ý về “chất”
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra ở mức 14-15%/năm trong năm 2024 theo giới chuyên môn là có thể đạt được. Ngay cả trường hợp dù có đạt thấp hơn so với mục tiêu, song theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, không nên lo lắng về con số tăng trưởng tín dụng mà nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng có thể đạt thấp hơn mục tiêu 15% nhưng dòng vốn chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh cũng là điều tốt. Không nên đánh đổi an toàn hệ thống để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Nhất là khi nợ xấu vẫn đang là một nỗi lo trực chờ đối với hệ thống ngân hàng.
Số liệu được NHNN đưa ra, tính đến cuối quý II/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống TCTD tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Không chỉ vậy, thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn các ngân hàng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Tính chung toàn ngành Ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 14,2 điểm phần trăm, từ mức 98,9% cuối năm ngoái xuống 84,7% vào cuối quý II/2024. Chính vì vậy, các chuyên gia đồng tình khuyến nghị bên cạnh nỗ lực thúc đẩy tín dụng, cần quan trọng chất lượng tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Chưa hết, hiện tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam cao so với các nước thuộc dải thu nhập tương đương và tiệm cận với các nước thu nhập cao. Đây cũng là vấn đề mà Ngân hàng Thế giới đã từng lưu ý, khuyến nghị đối với Việt Nam và cho rằng cần kéo giảm tỷ lệ này, giảm sự phụ thuộc tăng trưởng với tín dụng của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo sức khỏe của hệ thống tài chính.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...