Sáng 26/3: Tỷ giá trung tâm giảm 21 đồng
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/3 Tăng tính linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.994 đồng, giảm 21 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá bán USD ở mức 25.143 VND/USD, trong khi giá mua được giữ nguyên ở mức 23.400 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua - bán bạc xanh tại một số ngân hàng được điều chỉnh tăng - giảm với biên độ phổ biến từ 5-20 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.530 VND/USD (cao hơn 5 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.620 VND/USD (thấp hơn 30 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 24.920 VND/USD (thấp hơn 20 đồng), giá bán cao nhất đang ở mức 24.980 VND/USD (thấp hơn 20 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 104,175 điểm, giảm 0,045 điểm so với thời điểm mở cửa.
Đồng USD suy yếu do hoạt động chốt lời và bị áp lực một phần bởi đồng yên mạnh lên khi các quan chức chính phủ Nhật Bản tiếp tục nỗ lực bảo vệ đồng tiền này.
So với đồng bạc xanh, đồng đô la New Zealand đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 4 tháng, hiện giao dịch ở mức 0,6010 USD, tăng 0,15%.
Tương tự, đồng bảng Anh tăng 0,07% lên mức 1,2645 USD, cách xa mức đáy một tháng của tuần trước là 1,25755 USD.
Đồng euro tăng 0,06% lên mức 1,0843 USD.
Đô la Úc giao dịch ở mức 0,6551 USD, tăng 0,17%.
Thị trường đang hướng sự chú ý tới các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để có thể dự đoán triển vọng lãi suất của Mỹ.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của Mỹ được dự báo tăng 0,3% trong tháng 2, điều này sẽ giữ tốc độ tăng hàng năm ở mức 2,8%.
“Chủ tịch Fed luôn cho rằng quá trình giảm lãi suất sẽ là một con đường gập ghềnh”, Tony Sycamore, nhà phân tích thị trường tại IG nói và cho biết: “Nhưng tốc độ tăng hàng năm ở mức 3% hoặc cao hơn chắc chắn sẽ tạo ra nhiều lo ngại rằng có thể con đường gập ghềnh sẽ gập ghềnh hơn dự kiến”.
Sự thay đổi trong triển vọng lãi suất toàn cầu sau một loạt cuộc họp của các ngân hàng trung ương vào tuần trước đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 1 tháng so với các đồng tiền chủ chốt.
Trong khi Fed vẫn giữ nguyên dự đoán về 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đưa ra tín hiệu tương tự rằng một chu kỳ nới lỏng đang diễn ra.
“Thật khó để đồng USD suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ vượt xa mức tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới”, Thierry Wizman, chiến lược gia ngoại hối và tỷ giá toàn cầu tại Macquarie cho biết và nhận định: “Đồng USD còn khó suy yếu hơn khi các ngân hàng trung ương khác tỏ ra ôn hòa hơn Fed”.
Các quan chức Fed hôm thứ Hai thừa nhận ngày càng thận trọng xung quanh tốc độ lạm phát chậm lại ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng bạc xanh giảm 0,07% so với đồng yên xuống mức 151,32 yên đổi một USD, đối mặt với ngưỡng kháng cự lớn gần mức 152 yên đổi một USD do nguy cơ can thiệp từ chính quyền Nhật Bản.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Ba cho biết ông sẽ không loại trừ bất kỳ biện pháp nào nhằm đối phó với sự suy yếu của đồng yên, lặp lại cảnh báo từ nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Tokyo Masato Kanda vào ngày hôm trước.
Đồng yên đã giảm hơn 1% kể từ đợt tăng lãi suất mang tính bước ngoặt của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tuần trước, khi các nhà giao dịch tiếp tục tập trung vào sự chênh lệch lãi suất vẫn còn lớn giữa Nhật Bản với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Ở những nơi khác, đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã tăng gần 0,1% lên mức 7,2487 nhân dân tệ đổi một USD, kéo dài mức tăng so với phiên trước sau khi thị trường nghi ngờ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc vào cuộc để bảo vệ đồng nhân dân tệ và hướng dẫn chính thức mạnh mẽ được Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đưa ra, đã hỗ trợ đồng tiền này tăng giá.