Sáng 30/9: Tỷ giá trung tâm giảm phiên đầu tuần
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 23-27/9 |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.093 đồng, giảm 25 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD trong khi giảm giá bán USD xuống mức 25.247 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua - bán USD tại các ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 10-60 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.365 VND/USD (thấp hơn 45 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.450 VND/USD (thấp hơn 20 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất đang ở mức 24.735 VND/USD (thấp hơn 45 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.840 VND/USD.
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 100,465 điểm, tăng 0,045 điểm so với thời điểm mở cửa.
Đồng yên ổn định khi thủ tướng mới của Nhật Bản phát tín hiệu rằng chính sách tiền tệ của đất nước này sẽ vẫn mang tính nới lỏng, trong khi đồng USD giảm giá so với các loại tiền tệ chủ chốt do kỳ vọng của các nhà đầu tư về sự thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc.
Đồng yên đã tăng vọt vào thứ Sáu tuần trước khi ông Shigeru Ishiba, cựu bộ trưởng quốc phòng và là người trước đây chỉ trích chính sách quá lỏng lẻo giành được quyền lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản, sẽ kế nhiệm ông Kishida Fumio trong phần còn lại của nhiệm kỳ.
Ông Ishiba cho biết theo quan điểm của chính phủ, chính sách phải duy trì tính thích ứng như một xu hướng xét theo điều kiện kinh tế hiện tại.
Các nhà phân tích cho biết điều đó đủ để ngăn chặn đà tăng mạnh của đồng yên sau chiến thắng của ông và khả năng xảy ra một cuộc bầu cử bất ngờ trong những tháng tới, qua đó có thể gây áp lực lên đồng yên ít nhất là trong ngắn hạn.
Hiện đồng yên giao dịch ở mức 142,34 yên đổi một USD, giảm 0,09%.
Ở những nơi khác, đồng euro giảm 0,04% xuống mức 1,1157 USD và đồng bảng Anh giao dịch ở mức 1,3378 USD, tăng 0,03% khi thị trường trông đợi dữ liệu việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu như là dữ liệu quan trọng tiếp theo để tìm thêm manh mối về tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngoài ra, dữ liệu lạm phát của châu Âu được công bố vào thứ Ba và dữ liệu của Trung Quốc sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Hai cũng được thị trường mong đợi.
Đồng đô la Úc và đô la New Zealand giao dịch gần mức cao nhất kể từ đầu năm vào thứ Sáu khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và cắt giảm một lãi suất quan trọng. Kế hoạch kích thích kinh tế này là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm vực dậy niềm tin của giới đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau loạt dữ liệu thống kê đáng thất vọng gần đây làm dấy lên mối lo ngại về sự giảm tốc mang tính cấu trúc và kéo dài.
Đô la Úc tăng 0,2% lên mức 0,6917 USD, sau khi tăng lên mức cao nhất trong 20 tháng là 0,6937 USD vào thứ Sáu.
Đô la New Zealand tăng 0,37% lên 0,6363 USD sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2023 vào thứ Sáu.
Tuần trước, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ chỉ thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - tăng 0,1% trong tháng 8, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE tăng 2,2%, thấp hơn mức dự báo là tăng 2,3%. Dữ liệu này đã khiến lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD giảm.
Chiến lược gia Joe Capurso của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định, đồng USD sẽ giảm trong năm tới hoặc lâu hơn nữa.
Lạm phát đang được kiểm soát. Lãi suất đang giảm và điều đó tốt cho triển vọng kinh tế toàn cầu, tốt cho việc chấp nhận rủi ro và tốt cho các loại tiền tệ hàng hóa như đô la Úc.
Hàng loạt biện pháp kích thích của Bắc Kinh đã thúc đẩy đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá vào tuần trước, ngay cả khi lãi suất được hạ xuống, khi các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu Trung Quốc, ghi nhận tuần tốt nhất trong một thập kỷ. Đồng nhân dân tệ đã phá vỡ mốc tâm lý 7 nhân dân tệ đổi một USD trong giao dịch ở nước ngoài vào thứ Sáu tuần trước.