Sáng 5/9: Tỷ giá trung tâm giảm 7 đồng
Lợi kép khi tỷ giá hạ nhiệt Tín dụng phải đảm bảo tăng cả lượng và chất |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.222 đồng, giảm 7 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá mua USD ở mức 23.400 trong khi giảm giá bán USD xuống mức 25.383 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua - bán USD tại phần lớn các ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 5-30 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.628 VND/USD (thấp hơn 42 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.710 VND/USD (thấp hơn 10 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất đang ở mức 25.005 VND/USD (thấp hơn 15 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 25.070 VND/USD (thấp hơn 30 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 101,296 điểm, tăng 0,016 điểm so với thời điểm mở cửa.
Đồng bạc xanh dù tăng vào sáng nay nhưng vẫn trong xu hướng giảm giá trong bối cảnh các nhà đầu tư tăng tỷ lệ đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay vào cuối tháng này. Trong khi đó, đồng yên Nhật tăng giá đáng kể do nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn khi những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trở lại.
Thị trường toàn cầu đang ở trạng thái căng thẳng, đặc biệt là thị trường chứng khoán, sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ mới được công bố yếu hơn dự báo làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và khả năng thị trường lao động đang chậm lại nhanh hơn dự báo. Điều này đã khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi tài sản rủi ro để tìm đến nơi trú ẩn an toàn, trong đó đồng yên là một trong những đồng tiền hưởng lợi nhiều nhất.
Đồng tiền Nhật Bản tăng 0,06% lên mức 143,65 yên đổi một USD, tăng 2% so với đầu tuần.
Franc Thụy Sĩ, một đồng tiền an toàn truyền thống khác, giảm nhẹ 0,04% xuống mức 0,8468 franc đổi một USD, tăng 0,46% so với đầu tuần.
Hemant Mishr, Giám đốc đầu tư tại S CUBE Capital ở Singapore, nhận xét: "Thị trường đang trở nên lo lắng. Đã có lúc thị trường chỉ tập trung vào tin tức tích cực. Nhưng giờ đây đã có một sự thay đổi rõ rệt, thị trường đang tập trung vào tin tức tiêu cực và hợp lý hóa việc bán tháo".
Dữ liệu mới công bố cho thấy số lượng công việc tuyển dụng mới tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi vào tháng 7, cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt. Con số này được đưa ra sau báo cáo khảo sát ISM về ngành sản xuất được công bố hôm thứ Ba cho thấy lĩnh vực này vẫn đang trong giai đoạn suy giảm.
Các nhà kinh tế tại Wells Fargo nhận định: "Dữ liệu về số lượng công việc tuyển dụng mới cho thấy thị trường lao động đang tiếp tục hạ nhiệt. Đối với Fed, dữ liệu này tái khẳng định rằng thị trường lao động không còn là yếu tố gây áp lực lạm phát đối với nền kinh tế Mỹ".
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện đang dự đoán 44% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào cuối tháng này, tăng từ mức 38% một tuần trước đó.
Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu, với dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm 160.000 việc làm trong tháng 8, so với mức tăng 114.000 việc làm trong tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống 4,2%.
Chuyên gia Mishr của S CUBE Capital nhận định, nhiêu khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 4,2% đến 4,3%. Nếu con số này vượt quá 4,5%, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu kỳ vọng vào một đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản".
Ở những nơi khác, đồng euro giảm 0,01% xuống mức 1,1081 USD.
Bảng Anh giao dịch ở mức 1,3151 USD, tăng 0,03%.
Trong khi đó, đô la Úc đi ngang, hiện giao dịch ở mức 0,6725 USD.
Đô la New Zealand tăng nhẹ 0,02% lên mức 0,6199 USD.