Tín dụng phải đảm bảo tăng cả lượng và chất
Tín dụng tiếp tục tăng trưởng tích cực Tín dụng hợp tác xã trước đòi hỏi đổi mới sản phẩm dịch vụ |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tuần qua NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD.
Việc bổ sung hạn mức cho các TCTD được nhận này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị đảm bảo mục tiêu đề ra. Theo ghi nhận, trong nửa đầu năm nay, khá nhiều ngân hàng có mức tăng tín dụng cao trên 10% như VPBank, MB, Nam A Bank, MSB, HDBank, ACB, Techcombank, LPBank... Trong thời gian qua, các ngân hàng đang tích cực giảm lãi suất cho vay, tích cực đẩy vốn ra thị trường trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm chưa như kỳ vọng.
Thời gian qua, nhóm Big 4 gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, cùng với đó là các ngân hàng niêm yết đã giảm lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên báo cáo tài chính khoảng 2% từ mức đỉnh quý I/2023 và giảm 1,2% so với cuối năm 2023, tương đương mức thấp của giai đoạn quý I/2021 - quý III/2022. Theo số liệu thống kê của NHNN đến tháng 7/2024, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,9-9,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp tăng trong quý III/2024 cùng với việc NHNN phân bổ room tín dụng tạo cơ sở để TPBank cũng như các ngân hàng khác chủ động đẩy vốn ra thị trường từ nay tới cuối năm.
CTCK Vietcombank dự báo, động lực tăng trưởng tín dụng đến từ: Hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, tốc độ giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm - có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; Thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ quý II/2024 kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp BĐS, xây dựng, cho vay mua nhà.
Với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tín dụng của NHNN, nỗ lực triển khai các giải pháp của các TCTD như giảm lãi suất, thiết kế các gói tín dụng cho từng nhóm khách hàng... cộng với diễn biến kinh tế, giới chuyên môn dự báo sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14-15% đặt ra từ đầu năm. “Mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự phóng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc FED hạ lãi suất, qua đó hỗ trợ cho chính sách tiền tệ tại Việt Nam”, CTCK VPBankS nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VPBankS cũng nhận định rằng, mức tăng trưởng tín dụng từ 14 - 15%/năm là thách thức bởi tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Theo thống kê, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam năm 2019 là 110,2%, năm 2020 là 114,3%, năm 2021 là 113,2%, năm 2022 là hơn 125%.
Vấn đề này WB cảnh báo và khuyến nghị đối với Việt Nam cần kéo giảm tỷ lệ tín dụng/GDP xuống, giảm sự phụ thuộc tăng trưởng với tín dụng của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo sức khỏe của hệ thống tài chính.
Các chuyên gia của VPBankS cho rằng, khi tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để đánh giá ngân hàng làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng. “Khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn”, các chuyên gia của VPBankS nhấn mạnh.
Nhận diện được điều này, bên cạnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng, tại các văn bản chỉ đạo, NHNN luôn nhắc nhở các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...