Sáng 9/9: Tỷ giá trung tâm giảm phiên đầu tuần
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-6/9 |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.177 đồng, giảm 25 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD trong khi giảm giá bán USD xuống mức 25.335 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua - bán USD tại tất cả các ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 105-140 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.410 VND/USD (thấp hơn 130 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.470 VND/USD (thấp hơn 140 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất đang ở mức 24.770 VND/USD (thấp hơn 130 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.870 VND/USD (thấp hơn 130 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 101,258 điểm, tăng 0,068 điểm so với thời điểm mở cửa.
Đồng bạc xanh dao động trong biên độ hẹp trong khi đồng yên giảm bớt đà tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư đang hướng đến số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này để tìm thêm manh mối về quy mô cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến diễn ra vào cuối tháng.
Dữ liệu việc làm rất được thị trường mong đợi của Mỹ công bố vào thứ Sáu tuần trước đã không giúp các nhà giao dịch làm rõ câu hỏi về việc liệu Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản hay cắt giảm mạnh 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Cụ thể, bảng lương phi nông nghiệp - một báo cáo khái quát bức tranh thị trường việc làm Mỹ - được Cục Thống kê lao động (BLS) thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 6/9 cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có 142.000 công việc mới trong tháng trước và số liệu việc làm mới của tháng 7 được điều chỉnh giảm còn 89.000 công việc. Trong một cuộc khảo sát trước khi số liệu được công bố, các nhà kinh tế dự báo 160.000 công việc mới được tạo ra trong tháng 8 và con số sau điều chỉnh của tháng 7 là 114.000 công việc mới. Như vậy, số liệu thực tế của cả 2 tháng đều không đạt kỳ vọng.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của tháng 8 giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 7 đúng như dự báo, còn 4,2%.
Trong khi số liệu việc làm tăng ít hơn dự kiến vào tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ và tăng trưởng tiền lương vẫn vững chắc, cho thấy thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt, nhưng không đến mức gây hoang mang về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed hôm thứ Sáu tuần trước đã ra tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng thực hiện một loạt đợt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới vào ngày 17-18/9, đồng thời lưu ý rằng thị trường lao động đang hạ nhiệt và có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có sự thay đổi chính sách.
Báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ đã đặt ra “bài toán khó” cho Fed, Boris Kovacevic, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại Convera nhận định và cho biết. "Với những tín hiệu trái chiều từ thị trường việc làm, họ khó có thể cam kết cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản hoặc 50 điểm cơ bản vào thời điểm này".
Được biết, trước khi bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 được công bố, thị trường đã đặt cược 100% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới. Câu hỏi duy nhất là cắt giảm bao nhiêu.
Nhưng sau khi công bố bảng lương, các nhà giao dịch đã tạm nghiêng về phương án Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trước khi chuyển sang phương án 25 điểm cơ bản, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Công cụ FedWatch của CME Group cũng cho thấy, hiện có 35% khả năng Fed có thể giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tuần tới, trong đó báo cáo lạm phát được Mỹ công bố vào thứ Tư là chỉ báo kinh tế chính tiếp theo có thể làm thay đổi giá thị trường.
David Doyle, giám đốc kinh tế tại Macquarie, cho biết: "Mặc dù có thể sẽ có những đợt cắt giảm đáng kể hơn vào cuối năm nếu dữ liệu xấu đi, nhưng chúng tôi dự đoán Fed vẫn sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9, và việc cắt giảm lãi suất với tốc độ này cũng có khả năng diễn ra vào tháng 11 và tháng 12".
Ở châu Á, đồng yên giảm 0,4% xuống còn 142,87 yên đổi một USD, đánh mất một phần mức tăng sau khi tăng 2,73% trong tuần trước do tâm lý lo sợ rủi ro bao trùm thị trường.
Nền kinh tế Nhật Bản hầu như không phản ứng với dữ liệu công bố hôm thứ Hai cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn một chút so với báo cáo ban đầu trong quý II, chủ yếu là do sự điều chỉnh giảm trong chi tiêu của doanh nghiệp và cá nhân.
Cụ thể, theo số liệu sửa đổi của Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP của Nhật Bản đã tăng 2,9% so với cùng kỳ trong quý II, thấp hơn so với dự báo trung bình của các chuyên gia kinh tế là 3,2% và mức tăng 3,1% trong ước tính sơ bộ.
Con số điều chỉnh này tương đương với mức tăng trưởng 0,7% so với quý trước sau khi điều chỉnh giá, thấp hơn so với mức tăng 0,8% được công bố vào tháng trước.
Các chuyên gia phân tích dự đoán nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục cải thiện dần dần nhờ xu hướng tích cực về tiền lương và chi tiêu cá nhân và doanh nghiệp, trong khi vẫn còn những rủi ro từ các yếu tố bên ngoài như khả năng suy thoái kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Ở những nơi khác, đồng euro giảm 0,02% xuống mức 1,1082 USD.
Trong khi đó, bảng Anh tăng 0,04% lên mức 1,3134 USD.
Đô la Úc hiện giao dịch ở mức 0,6686 USD, tăng 0,22% , sau khi giảm hơn 1% và chạm mức thấp nhất trong khoảng 3 tuần vào thứ Sáu tuần trước.
Đô la New Zealand tăng 0,16% lên mức 0,6184 USD, mặc dù vẫn không chênh lệch nhiều so với mức thấp nhất trong 2 tuần mà nó chạm đến vào thứ Sáu tuần trước.