Singapore tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát
Singapore thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó lạm phát |
MAS tại cuộc họp chính sách mới nhất cho biết sẽ xác định lại tỷ giá trung tâm, hay còn được gọi là tỷ giá danh nghĩa đa phương (NEER), nhưng sẽ không thay đổi độ dốc và độ rộng của biên độ.
MAS đã thực hiện hai động thái thắt chặt ngoài chu kỳ trong năm nay, vào tháng Một và tháng Bảy, do lạm phát vẫn tăng cao.
Đây là lần thắt chặt thứ năm kể từ tháng 10 năm ngoái và một số chuyên gia phân tích cho rằng MAS có thể có nhiều hành động chính sách hơn trong thời gian tới.
Selena Ling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ tại OCBC, cho rằng động thái của MAS "cho thấy sẽ có ít mối quan tâm hơn về rủi ro tăng trưởng giảm, và các vấn đề có thể được xử lý thông qua quyết định chi ngân sách trong thời gian tới".
Trong khi MAS chỉ sử dụng một đòn bẩy để thắt chặt chính sách, vị này hy vọng có thể có "nhiều công cụ hơn được sử dụng" tại cuộc họp dự kiến vào tháng 4/2023.
Sáng nay (14/10), MAS cho biết tất cả các động thái thắt chặt tiền tệ cho đến nay sẽ tiếp tục kéo giảm lạm phát do ảnh hưởng giá cả cao hơn từ nhập khẩu, nhưng cảnh báo áp lực giá sẽ còn dai dẳng và “nền kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn song song với nhu cầu toàn cầu suy yếu".
"Tuy nhiên, lạm phát cơ bản sẽ tiếp tục tăng trong vài quý tới, do nhập khẩu lạm phát vẫn gây áp lực và thị trường lao động thắt chặt thúc đẩy nhu cầu tăng lương mạnh mẽ", MAS cho biết thêm trong tuyên bố của mình.
Đô la Singapore đã tăng khoảng 0,3% sau quyết định chính sách của MAS.
Các chuyên gia phân tích cho biết lý do chính để MAS chỉ thắt chặt chính sách thông qua một giải pháp thay vì hai hoặc nhiều hơn là vì họ nhận thấy lạm phát sẽ bắt đầu giảm bớt.
MAS hiện điều phối chính sách tiền tệ thông qua các thiết lập tỷ giá hối đoái, thay vì điều chỉnh lãi suất.
Cơ quan này điều chỉnh chính sách của mình thông qua ba đòn bẩy: độ dốc, điểm giữa và độ rộng của biên độ tỷ giá tham chiếu, cho phép đô la Singapore tăng hoặc giảm so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính trong một biên độ được "giữ kín".
Lạm phát lõi tại Singapore - thước đo của ngân hàng trung ương - đã tăng lên 5,1% vào tháng Tám so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 4,8% vào tháng Bảy.
MAS cho biết lạm phát lõi có khả năng duy trì ở mức khoảng 5% trong thời gian còn lại của năm 2022 và sang đầu năm 2023.
Theo ước tính trước của Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore tăng 4,4% trong quý III so với cùng kỳ. Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa hàng quý, GDP tăng 1,5% trong quý III.
“GDP quý III rõ ràng được hưởng lợi từ việc biên giới được mở cửa trở lại”, Song Seng Wun, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng tư nhân CIMB nói.
Ngân hàng trung ương Singapore cho biết tăng trưởng thương mại với các đối tác chính của Singapore sẽ duy trì tích cực vào năm 2023, nhưng cảnh báo về những rủi ro đối với triển vọng có thể còn bất định.
"Tuy nhiên, những cú sốc khác, bao gồm cả căng thẳng địa chính trị, có thể khiến lạm phát tăng cao hơn và gây ra suy thoái ở một số nền kinh tế chủ chốt", MAS cảnh báo một số nhân tố có thể khó xác định ở thời điểm này.