Số hóa để phát triển “công nghiệp không khói”
Theo số liệu từ Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, 9 tháng năm 2024, lượng khách do các cơ sở lưu trú trên địa bàn phục vụ đạt hơn 8,7 triệu lượt, tăng hơn 50% so cùng kỳ 2023; doanh thu lưu trú, lữ hành đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm ngoái, bằng 154% so với cùng kỳ năm 2019, vượt kế hoạch được giao (tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch năm 2024 là 10,6%)…
Tuy đã có những khởi sắc, song trên thực tế hiện ngành du lịch trên địa bàn thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh gay gắt. Một trong những giải pháp mà ngành du lịch địa phương tập trung thực hiện để vượt qua khó khăn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường đó là tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh của mình.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hiện nay quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, bắt buộc doanh nghiệp phải tiếp cận và làm chủ công nghệ thì mới tồn tại được. Việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong phục vụ nhà hàng, khách sạn, chiến lược kinh doanh đang được những người làm dịch vụ du lịch tại địa phương hướng đến.
Ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng”, tại địa chỉ vr360.danangfantasticity.com . |
Mới đây, tại Triển lãm và diễn đàn công nghệ đổi mới sáng tạo lĩnh vực khách sạn Horecfex Việt Nam 2024 được tổ chức tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, du khách đã tham quan, trải nghiệm các thiết bị và ứng dụng mới nhất trong ngành du lịch như, robot phục vụ, công nghệ chăm sóc sức khỏe, ứng dụng bán hàng. Khách tham dự triển lãm đã thấy các robot phục vụ trong khách sạn. Dựa trên những lập trình có sẵn, robot có thể mang đồ ăn, nước uống và dụng cụ tới các vị trí theo yêu cầu. Robot có cảm biến nên sẽ tự điều hướng hành trình, tự động tránh khi gặp vật cản…
Trên thực tế, thời gian gần đây Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển du lịch theo hướng thông minh, áp dụng công nghệ để tăng sự tương tác với du khách. Theo đó, ngành du lịch thành phố đã tập trung đầu tư vào công nghệ số trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá điểm đến… Theo đó, ngành du lịch địa phương đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch như, xây dựng, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch (Danang FantastiCity), cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (danangfantasticity.com) bằng 5 ngôn ngữ; phát triển các hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội facebook, instagram, youtube, tiktok… hay các trang dành riêng cho từng thị trường như, Weibo (Trung Quốc) và Naver (Hàn Quốc).
Sở Du lịch thành phố cũng đã đưa vào vận hành thử nghiệm dự án hệ thống giám sát du lịch thông minh, triển khai lắp đặt 26 camera tại 3 khu, điểm du lịch là chùa Linh Ứng Sơn Trà, Bảo tàng Đà Nẵng, di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đặc biệt, ngành du lịch địa phương đã đưa vào hoạt động ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng”, tại địa chỉ vr360.danangfantasticity.com với hơn 300 điểm quét (80 điểm trên không và 220 điểm dưới đất) với nhiều tính năng nổi bật như, scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, không gian động Huyền Không - Ngũ Hành Sơn…
Đà Nẵng và FPT cũng đã ký hợp tác về xây dựng thành phố thông minh. Trong lĩnh vực du lịch, hai bên phối hợp xây dựng hệ thống kiểm tra thông tin thẻ hướng dẫn viên, xe vận chuyển du lịch di động, tra cứu thông tin doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đạt chuẩn, hệ thống thẻ du lịch thông minh...
Việc ứng dụng công nghệ đã giúp tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch Đà Nẵng. |
Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ đã giúp tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch thành phố. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp du lịch ở địa phương đang tập trung ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động kinh doanh của mình. Trong đó, tập trung số hóa công tác quảng bá, xúc tiến, khai thác thị trường du lịch; sử dụng các app ứng dụng công nghệ để phục vụ du khách, ứng dụng website trực tuyến, booking để cung cấp, chào bán và quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ…
Với nhiều tiện ích, song để ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch thành công, theo nhiều chuyên gia có 6 yếu tố cần để chuyển đổi số thành công gồm: nhận định mức độ sẵn sàng chuyển đối số của doanh nghiệp; mục tiêu của doanh nghiệp; chiến lược và lộ trình chuyển đổi số; xây dựng mô hình quản lý quản trị; xây dựng bộ máy chuyển đổi số độc lập; xây dựng văn hóa sáng tạo, sẵn sàng đổi mới. Song song đó, doanh nghiệp cần có lộ trình cụ thể, đòi hỏi kết hợp yếu tố con người; văn hóa doanh nghiệp, và hệ thống công nghệ thông tin.