Doanh nghiệp “xanh hóa” để phát triển
Đầu tư công nghệ thân thiện môi trường
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp trong nước nói chung và tại TP. Đà Nẵng nói riêng đang đứng trước những cơ hội đan xen thách thức. Thị trường quốc tế và trong nước ngày càng khắt khe với chất lượng sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan tới việc “xanh hóa” trong hoạt động sản xuất. Bởi vậy, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến các tiêu chuẩn xanh và hợp chuẩn quốc tế.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp tại địa phương đã xác định rằng dù phải bỏ chi phí để “xanh hóa”, song sẽ có được khách hàng lâu dài, xuất khẩu sang các thị trường lớn và bảo đảm công việc ổn định cho người lao động. Việc hướng đến sản xuất sạch, kinh tế xanh không chỉ đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của Đà Nẵng.
Để phát triển xanh, việc đầu tư và đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại được các doanh nghiệp đánh giá là giải pháp quan trọng hàng đầu. Chỉ có đầu tư công nghệ hiện đại mới nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng cho biết, thị trường quốc tế và trong nước đòi hỏi sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn có yêu cầu khắt khe, các yêu cầu liên quan tới việc “xanh hóa” trong hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Để tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp Đà Nẵng cần quan tâm các tiêu chuẩn xanh, tạo ra các sản phẩm hợp chuẩn (xanh, hiện đại, minh bạch).
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) là một trong những điểm sáng về sản xuất xanh ở địa phương. Doanh nghiệp đã chủ động áp dụng nhiều công nghệ sạch, hiện đại và thân thiện môi trường vào quá trình sản xuất, hạn chế tối đa tác hại từ sản xuất ảnh hưởng đến người lao động, môi trường. DRC đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Công ty đã thay thế toàn bộ nồi hơi đốt dầu FO, sử dụng lò hơi tầng sôi đốt nhiên liệu sạch biomass như mùn cưa, trấu,… để cải thiện được nhiều chỉ tiêu môi trường về khí thải.
Ngoài ra, công ty cũng mở rộng, cải thiện mặt bằng sản xuất thông thoáng, đảm bảo chiếu sáng công nghiệp. DRC đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức công nhận là đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ cho cam kết của DRC trong việc xây dựng quy trình sản xuất xanh, hướng đến phát triển bền vững vì cộng đồng.
Phát triển doanh nghiệp xanh, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường. |
Trong khi đó, Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) là nhà máy bia đầu tiên tại khu vực miền Trung nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo và áp dụng mô hình sản xuất xanh - sạch theo định hướng phát triển bền vững.
Theo đại diện nhà máy, đơn vị đã triển khai mô hình liên kết cộng sinh công nghiệp với các doanh nghiệp khác tại địa phương nhằm tối ưu chi phí, đồng thời giảm chi phí xử lý chất thải, góp phần hướng tới phát triển bền vững. Đơn vị đã triển khai mô hình liên kết cộng sinh với Công ty Năng lượng Xanh (GE), thay thế việc sử dụng dầu diesel bằng các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ gạo, gỗ băm, gỗ vụn,... qua đó giúp giảm đến 44% lượng phát thải CO₂ tại nhà máy so với việc sử dụng dầu diesel để tạo nhiệt.
Tương tự, tại Công ty Cổ phần Dệt may 29/3, dù đang gặp khó khăn trên thị trường, nhưng từ quý I/2023 công ty đã chấm dứt sản xuất mặt hàng khăn bông - sản phẩm từng gắn bó với hoạt động công ty suốt chiều dài 47 năm, mang thương hiệu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng cao và có tỷ trọng doanh thu hơn 20%. Việc chấm dứt ngành dệt khăn bông là khó khăn lớn, song công ty quyết tâm thực hiện để hướng đến mục tiêu “xanh hoá”, xây dựng doanh nghiệp xanh, sạch và phát triển bền vững trong lòng thành phố môi trường.
“Xanh hóa” thách thức xen lẫn cơ hội
Trên thực tế, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Trong xu hướng chung đó, TP. Đà Nẵng đã xác định chuyển đổi xanh và phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, xu hướng chuyển đổi xanh không chỉ là lợi ích mà còn là lợi thế, năng lực cạnh tranh. Bởi vậy, địa phương cần có chiến lược, đầu tư thích đáng cho quá trình này. Nếu được triển khai hiệu quả, đây sẽ là “cú hích”, động lực mới để thu hút các dự án đầu tư nói chung, đặc biệt là đầu tư xanh, chất lượng cao, phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Thay vì vội vàng tăng trưởng nóng, Đà Nẵng đã và đang hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững để mang lại các lợi ích lâu dài", ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng. |
Để tiếp tục “xanh hóa”, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về quy trình, công nghệ... |
Theo lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng 2 đến 3 khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GRDP giảm 1-1,5%/năm; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 30%; xây dựng được 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra việc làm cho 3.200 đến 3.500 người/năm từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đà Nẵng cũng đã và đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố Môi trường”. Đề án xác định “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững: Triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình, các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, góp phần giảm thiểu khai thác, sử dụng tài nguyên, nguyên liệu và giảm phát thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,... 100% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất thuộc đối tượng được cấp Chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 theo quy định. Đến năm 2025, hoàn thành “Mô hình khu công nghiệp sinh thái”.
Để thực hiện những chủ trương này, quan điểm nhất quán của lãnh đạo Đà Nẵng là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Lấy bảo vệ môi trường làm nền tảng xây dựng thành phố sinh thái, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng, thay vì vội vàng tăng trưởng nóng, Đà Nẵng đã và đang hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững để mang lại các lợi ích lâu dài.
Tuy nhiên, không chỉ tại Đà Nẵng mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước, các tiêu chuẩn khắt khe về kinh tế xanh đang trở thành những thách thức đối với doanh nghiệp. Việc thực hiện các tiêu chuẩn về nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang dần hiện hữu và ngày càng thắt chặt, là những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp ở địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chỉ mới quan tâm nhiều đến số lượng, chưa thực sự chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và chậm đổi mới trong quản trị, công nghệ để chuyển đổi xanh.
Bởi vậy, để tiếp tục “xanh hóa” trong thời gian tới, các cơ quan chức năng ở địa phương cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ thân thiện với môi trường…