Sớm đồng bộ ứng dụng hỗ trợ thương mại điện tử
Quản lý thị trường xử lý nhiều vụ kinh doanh hàng hóa giả qua mạng dịp cuối năm Thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành xu hướng tất yếu |
Theo đó, thời gian qua, Bộ này đã phối hợp với Napas xây dựng, vận hành hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay nhằm hỗ trợ thanh toán điện tử thông qua các loại thẻ ngân hàng. Trong năm 2023-2024, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành triển khai sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh/thành (Sanviet.vn), đồng thời hoàn thiện và vận hành hệ thống eCoSys giúp doanh nghiệp có thể in giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trên giấy A4.
Cùng thời gian trên, hiện Cục TMĐT và Kinh tế số của Bộ này cũng đứng ra chủ trì, xây dựng nhiều ứng dụng như: Go Export (hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT), EcomEx (sáng kiến về hệ sinh thái xuất nhập khẩu trực tuyến); Vsign.vn (cổng hỗ trợ khai báo xuất xứ điện tử) và GoOnline (hỗ trợ toàn diện các vấn đề bán hàng, giao hàng, thanh toán TMĐT)…
Trước mắt, những ứng dụng chính thức phục vụ quản lý, kiểm soát bắt buộc của các cơ quan nhà nước về TMĐT cần sớm đồng bộ dữ liệu |
Tuy nhiên, việc cùng lúc có quá nhiều chương trình, ứng dụng “cạnh tranh” hỗ trợ TMĐT cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra lúng túng, không biết nên bắt đầu từ ứng dụng nào, liên thông, liên kết và bảo mật dữ liệu ra sao.
Một chủ doanh nghiệp chuyên mua bán đồ gỗ nội thất tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai còn cho rằng, khi cài đặt, hầu hết các ứng dụng đều yêu cầu khai báo nhiều thông tin cá nhân gây ra tâm lý lo ngại. Các ứng dụng cũng không có sự liên thông, liên kết với nhau, khiến người dùng phải khai báo thông tin, đăng nhập nhiều lần, khá mất thời gian.
Ở góc độ tư vấn hỗ trợ, ông Phan Vĩnh Phúc, Giám đốc CMS Multimedia kiêm Chủ tịch cộng đồng Doanh nhân SNGGroup cho rằng, hiện nay việc bán hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến qua QR code đã rất phổ biến và lan tỏa mạnh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn lực tài chính và nhân sự để áp dụng các giải pháp TMĐT và vận hành những ứng dụng, tiện ích hỗ trợ bán hàng qua mạng cũng như quản lý các thông tin liên quan.
Đối với việc cung cấp các ứng dụng, giải pháp hỗ trợ quản lý và triển khai TMĐT, hiện nay, thị trường có sự tham gia tích cực, mạnh mẽ từ các bộ, ngành, các fintech, các tập đoàn công nghệ số, TMĐT đa quốc gia. Trong bối cảnh công nghệ TMĐT thay đổi nhanh chóng, các ứng dụng, phần mềm quản lý, hỗ trợ cũng sẽ liên tục cập nhật, thay đổi và ngày càng tối ưu, toàn diện hơn. Mặc dù vậy, để tích hợp và đồng bộ được các thông tin, dữ liệu của khách hàng thì không dễ dàng, do mỗi ứng dụng đều được phát triển rời rạc bởi những nhà cung cấp khác nhau. Ngay cả các ứng dụng, phần mềm có sự tham gia của các bộ, ngành với tư cách như đơn vị hợp tác, chỉ đạo thì việc tích hợp, đồng bộ dữ liệu cũng gặp vướng mắc vì liên quan đến nhiều vấn đề về pháp lý, quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Theo các chuyên gia, để tích hợp, đồng bộ hóa dữ liệu trên các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ phát triển TMĐT cho doanh nghiệp thì cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan. Trước mắt, những ứng dụng chính thức phục vụ quản lý, kiểm soát bắt buộc của các cơ quan nhà nước (liên quan đến các lĩnh vực như: thanh toán, thu thuế, xác thực định danh…) cần sớm được các bộ, ngành thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu. Về lâu dài, các cơ quan quản lý cũng cần có các hợp tác, ràng buộc với nhà cung cấp ứng dụng, phần mềm hỗ trợ TMĐT, đặt ra các yêu cầu nhất định về tuân thủ kết nối xác thực dữ liệu, đồng bộ thông tin khách hàng trên các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp.