Sớm gỡ khó về thuế cho các cơ quan báo chí
Báo chí đón nhiều "sóng gió"
Thực tế, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và mạng xã hội, các cơ quan báo chí đang phải đối diện vô vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. Hiện chi phí sản xuất của các loại hình báo chí hiện đại như báo điện tử, phát thanh và truyền hình vô cùng cao khi phải đầu tư mạnh vào hạ tầng kỹ thuật như đường truyền, máy chủ và hệ thống công nghệ. Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) chia sẻ, tình hình tài chính của toàn bộ các cơ quan báo chí, bao gồm cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đều gặp khó khăn lớn. Nguyên nhân chính là sự sụt giảm mạnh mẽ trong nguồn thu từ quảng cáo – một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất của ngành báo chí.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hàng năm, chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lại không hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.
Là cơ quan báo chí thì nhiệm vụ truyền thông chính sách, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là quan trọng, nhưng theo quy định hiện hành, mới chỉ có các cơ quan báo in được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10%; các cơ quan báo chí khác phải chịu mức thuế suất phổ thông là 20%. Mức thuế này vẫn được áp dụng suốt thời gian qua, kể cả khi nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó khăn trong việc trả lương và nhuận bút cho phóng viên, biên tập viên, chứ chưa nói đến khả năng tái đầu tư cho hoạt động.
Để hỗ trợ các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và xây dựng các phương án ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ tất cả các loại hình báo chí. Cụ thể, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% sẽ được giữ nguyên như hiện hành.
Tại họp báo diễn ra gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, việc điều chỉnh thuế suất nhằm mục tiêu giảm bớt khó khăn cho ngành báo chí, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự suy giảm về nguồn thu quảng cáo. Đồng thời, tạo sự bình đẳng hơn trong chính sách thuế đối với tất cả các loại hình báo chí; khuyến khích sự phát triển của báo chí trong thời đại số hóa và chuyển đổi số.
Thống nhất áp dụng một mức thu hợp lý
Vui mừng trước đề xuất này, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, việc thu thuế từ các cơ quan báo chí nộp vào ngân sách cũng không nhiều, nhưng vô tình tác động làm cơ quan báo chí khó khăn thêm. Quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam, việc thu thuế doanh nghiệp từ cơ quan báo chí, cơ quan chức năng nên cân nhắc áp dụng mức thu hợp lý. Theo đó, nên áp dụng chung một mức thuế ưu đãi 10% cho tất cả các loại hình báo chí (điện tử, phát thanh, truyền hình...) chứ không riêng báo in. Vì các cơ quan báo chí phần lớn là đơn vị sự nghiệp có thu với chức năng chính là thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì thế không thể đánh đồng cơ quan báo chí như một doanh nghiệp thuần túy.
Đồng tình với đề xuất này, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho rằng, thực tế cho thấy, chi phí sản xuất báo điện tử, phát thanh, truyền hình rất cao, thậm chí còn cao hơn cả chi phí báo in. Nếu được áp mức thuế 10% thay cho mức thuế 20% như hiện nay, các cơ quan báo chí sẽ có thêm nguồn đầu tư để đào tạo nhân sự, đầu tư trang thiết bị hạ tầng, như vậy mới có thể trở thành lực lượng tinh nhuệ để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh mới.
Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập báo Người Lao động phân tích, không gian mạng bây giờ là "trận địa" chính của báo chí nên đang đầu tư, tái cấu trúc để giành thị phần bằng công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số… Các dạng đầu tư nói trên cần nguồn ngân sách lớn, trong khi đó, báo in đang giảm cả về số lượng phát hành lẫn nguồn thu quảng cáo. Mọi vấn đề đang được báo điện tử và các hoạt động truyền thông khác gánh vác. Do đó, việc đặt ra vấn đề giảm thuế thu nhập cho tất cả các loại hình báo chí là thực sự cần thiết và phù hợp.
"Nếu được giảm thuế, tòa soạn nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung sẽ có thêm nguồn đầu tư, tái cấu trúc phù hợp với xu thế hiện nay. Đồng thời, cơ quan báo chí tăng thêm động lực về phúc lợi cho người lao động trong lĩnh vực báo chí", ông Bùi Thanh Liêm khẳng định.