Startup cẩn trọng “thẩm định” nhà đầu tư
Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công | |
Khởi nghiệp - điểm sáng giữa đại dịch | |
Khởi nghiệp sáng tạo vượt thách thức |
Nhộn nhịp nhưng đừng dễ dãi
Khoảng hai năm trở lại đây, với sự khuyến khích mạnh mẽ từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, phong trào khởi nghiệp (startup) đổi mới sáng tạo ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đều rất phát triển.
Riêng trong năm 2021 các dự án khởi nghiệp lĩnh vực thanh toán, bán lẻ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tự động hóa doanh nghiệp tại TP.HCM đã thu hút được khoảng 1,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, ở quy mô cả nước, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup trong năm 2021 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với con số kỷ lục 874 triệu USD của năm 2019. Các lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edtech), công nghệ y khoa (medtech) đều ghi nhận các thương vụ đầu tư lớn hàng chục triệu USD.
Các startup công nghệ tài chính gần đây thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào |
Bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị BambuUP cho rằng đến hiện tại, với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã khá hoàn chỉnh với 5 thành phần chính là: các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho startup; các chương trình tìm kiếm kết nối startup với nhà đầu tư; các nhân tài, sáng lập các dự án khởi nghiệp; các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong và ngoài nước và sự hỗ trợ về pháp lý, tài chính từ Chính phủ, địa phương.
Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp ở toàn thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự được thể hiện đầy đủ. Khảo sát của BambuUP cho thấy, 64,4% các startup gặp khó trong các khâu tiếp cận khách hàng và tạo ra doanh thu; 48,3% startup gặp khó về tiếp cận nhà đầu tư để gọi vốn. Do vậy, khi có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư, thông thường các startup chịu cảnh “cửa dưới” và chấp nhận những điều khoản đầu tư khá dễ dãi.
Đồng quan điểm, bà Mai Hồ - Giám đốc Quỹ Đầu tư mạo hiểm Hustle Fund, phụ trách thị trường Việt Nam và Đông Nam Á cho rằng, nhiều nhà sáng lập các dự án startup tại Việt Nam hiện nay đã lỡ bán đi quá nhiều cổ phần ngay khi tiếp xúc nhà đầu tư lần đầu. Trong khi đó, một số nhà đầu tư là các quỹ quốc tế đưa ra các điều kiện rót vốn khá khắt khe, gây bất lợi cho nhà sáng lập như mua 30-49% cổ phần ngay trong vòng đầu, đồng thời đảm bảo cổ phần tối thiểu 20%. “Các quy định rót vốn khắt khe này không những gián tiếp biến nhà sáng lập thành người làm thuê cho quỹ đầu tư, mà có thể tạo rất nhiều khó khăn cho startup trong những vòng gọi vốn tiếp theo”, bà Mai Hồ nhận định.
Thẩm định kỹ và phải hiểu luật
Theo các chuyên gia tại hãng Grant Thornton Việt Nam, với sự phát triển nhanh của hệ sinh thái khởi nghiệp như hiện nay việc gọi vốn với các startup tốt, có chất lượng không còn quá khó. Việt Nam hiện cũng đang nổi lên là quốc gia hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần. Vì vậy, các startup không nên vội vàng và “dễ dãi” trong quá trình chọn lựa, hợp tác với các nhà đầu tư.
Theo tư vấn của Grant Thornton, bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ, số liệu kinh doanh, trước khi tiếp cận các nhà đầu tư, các startup Việt Nam nên chú trọng nhiều hơn đến khâu thẩm định giá trị doanh nghiệp. Theo đó, các khía cạnh có thể tính toán đến khi thẩm định nên nhấn mạnh vào tiềm năng tạo ra giá trị của các tài sản vô hình (như: đội ngũ nhân sự nòng cốt, độ nhận diện thương hiệu, mạng lưới khách hàng, các sở hữu trí tuệ) và tập trung vào các giải pháp, cách thức để hiện thực hóa tham vọng phát triển, đánh giá định vị thị trường. Từ các khía cạnh này sẽ tăng cơ hội hợp tác sòng phẳng với nhà đầu tư.
Ở khía cạnh pháp lý, các chuyên gia luật cho rằng các startup cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng bộ hợp đồng đầu tư. Trong đó các điều khoản cam kết về quyền sở hữu, cam kết cổ đông sáng lập, các điều khoản chống pha loãng cổ phần và các quyền ưu tiên khi mua bán với các nhà đầu tư mới là những điều khoản quan trọng cần được thẩm định kỹ càng trước khi ra quyết định.
Với kinh nghiệm tư vấn đầu tư mạo hiểm nhiều năm tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam, bà Mai Hồ cho rằng, khi tiếp xúc nhà đầu tư ban đầu, các startup cần tìm hiểu kỹ về lĩnh vực chuyên đầu tư của các quỹ, tìm hiểu khẩu vị rủi ro và sở thích đầu tư của từng nhà đầu tư. Chẳng hạn một số quỹ sẽ thích đầu tư vào giai đoạn đầu của startup, một số khác sẽ tập trung vào giai đoạn tăng trưởng hoặc phát triển, nâng cấp sản phẩm dịch vụ. “Khi đã tìm hiểu kỹ về nhà đầu tư thì mới xây dựng các điều kiện đầu tư và soạn hợp đồng theo hướng win-win (hai bên cùng thắng), hỗ trợ cả hai bên cùng phát triển, thay vì chỉ đem lại lợi ích hoặc bảo vệ cho nhà đầu tư”, bà Mai Hồ gợi ý.
Bên cạnh đó, theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm - Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans tại Việt Nam cho rằng, các startup nên lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu, mục tiêu và giai đoạn phát triển của mình. Cụ thể, trong giai đoạn đầu có thể chỉ cần gọi vốn từ nhà đầu tư trong nước là đủ vì quy trình nhanh hơn so với gọi vốn từ quỹ nước ngoài. Khi đã bước vào giai đoạn phát triển và mở rộng thì hoàn thiện các mô hình kinh doanh, thẩm định giá trị doanh nghiệp tạo tiền đề để gọi vốn từ các quỹ quốc tế theo cách chuyên nghiệp và sòng phẳng hơn.
Mizuho mới đây dẫn dắt nhóm nhà đầu tư Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management tham gia vào vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) ở MoMo với tổng giá trị của các nhà đầu tư khoảng 200 triệu USD. Ông Daisuke Horiuchi, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh bán lẻ của Mizuho (Mizuho’s Retail Business) cho biết: “Chúng tôi đang không ngừng tìm kiếm và mở rộng các mảng kinh doanh bán lẻ tại Đông Nam Á, cũng như trong lĩnh vực chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện. Cả ba lĩnh vực trên sẽ tiếp tục góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống không chỉ của con người Việt Nam, mà còn của cả các doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các giải pháp toàn diện liên quan đến dịch vụ tài chính, cũng như các dịch vụ thiết yếu khác cho cuộc sống. |