Khởi nghiệp - điểm sáng giữa đại dịch
Phát động Festival Khởi nghiệp 2022 | |
Khởi nghiệp sáng tạo vượt thách thức | |
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Theo thống kê, trong năm 2021, nền kinh tế đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên đến gần 160.000 doanh nghiệp. “Khó khăn như vậy, nhưng bình quân mỗi tháng trong năm 2021 đã có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó khoảng 10.000 doanh nghiệp thành lập mới, cho thấy nỗ lực tái cấu trúc và thích ứng của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế, cũng như tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng mạnh mẽ”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.
Ảnh minh họa |
Cũng theo Chủ tịch VCCI, năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia, hệ sinh thái TP. Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191. Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ ba trong nhóm ba hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tham luận tại Festival Khởi nghiệp 2022, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, tiếp thu mô hình vườn ươm của quốc tế, đề án đổi mới sáng tạo nâng cấp mà mở màn là đề án 844 với từ “hệ sinh thái” chính thức xuất hiện từ năm 2016 đã tạo đột phá trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Theo đó, đề án 844 nhằm vào sự tương tác của các chủ thể khi hỗ trợ startup, tạo ra hiệu quả là hơn 3.000 startup đổi mới sáng tạo theo mô hình mới. “Chúng ta có hơn 200 quỹ đầu tư, hơn 100 tổ chức về thúc đẩy kinh doanh, hơn 130 trường đại học, cao đẳng có không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tạo ra bức tranh khá đầy đủ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, gấp hơn nhiều lần so với cách đây 5 năm. Riêng năm 2021, đã có hơn 1,5 tỷ USD gọi vốn vào các starup của Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt dịch vụ công nghệ”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.
Trong thời gian tới để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Cục trưởng Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ nhận định, có năm giải pháp.
Thứ nhất, cơ chế mới cho các mô hình mới. Thứ hai, là mua sắm công, Chính phủ phải là nơi đầu tiên sử dụng các sáng kiến công nghệ mới này.
Thứ ba, các nước hiện cho phép sự chuyển dịch giữa các startup - chương trình “startup visa”. Hiện chúng ta cứ 6 tháng phải xin một lần, điều này rất khó cho các chuyên gia người nước ngoài tới khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp, trong khi đó nguồn nhân lực là quan trọng để thu hút xây dựng hệ sinh thái.
Thứ tư, là mô hình gọi vốn từ cộng đồng hiện đang phát triển mạnh trên thế giới. Cần tạo điều kiện, có cơ chế cho phép thử nghiệm mô hình này để mọi người dân có thể trở thành nhà đầu tư "thiên thần" cho startup.
Thứ năm là đầu tư vốn mồi. Hiện các startup khó gọi vốn, còn các quỹ lại “đóng băng” không giải ngân được. Thực tế, các nước trong khu vực đã triển khai các sàn giao dịch gọi vốn cho các startup không đủ để IPO nhằm gọi vốn, Việt Nam nên thử nghiệm mô hình này.
Về quốc tế, ông Phạm Hồng Quất cho biết, vừa qua chúng ta đã kết nối với 21 làng công nghệ, hiệp hội khoa học công nghệ nước ngoài. Bên cạnh đó là các kiều bào nước ngoài hiện rất tiềm năng. Đây là những định hướng mở cần chú ý hơn để tạo đột phá trong năm 2022. Việc thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó có ba đại diện vùng quan trọng gồm trung tâm Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng là điểm nhấn kết nối Việt Nam thành một hệ sinh thái.