Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công
Nhộn nhịp khởi nghiệp sáng tạo | |
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp Việt Nam | |
Thúc đẩy khởi nghiệp: Cơ sở để kiến tạo những cánh chim đầu đàn |
Những câu chuyện khởi nghiệp
Cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng mới đây vừa đón tin vui khi liên tiếp hai startup “made in Đà Nẵng” là Selly và Dat Bike vừa nhận được vốn đầu tư lớn, đánh dấu những cột mốc phát triển quan trọng của các nhà sáng lập. Đầu tiên là Selly - một trong những startup tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử tương tác cộng đồng (social e-commerce) tại Việt Nam. Với ứng dụng này, người dùng có thể kinh doanh trực tuyến mà không cần bỏ vốn, không phải lo lắng về các vấn đề lưu kho, vận hành…
Chính thức thành lập vào tháng 4/2021, đến đầu năm 2022, Selly huy động thành công 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series A từ 5 quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia và KVision. Hiện Selly đã giúp hơn 300 nhà cung cấp, nhà sản xuất tạo ra doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi tháng; đồng thời kết nối với hơn 300.000 cộng tác viên bán hàng trên khắp cả nước, giúp họ cải thiện thu nhập.
Nguyễn Nam Hải, nhà đồng sáng lập, Giám đốc vận hành Công ty TNHH Selly cho biết, khi làm Selly, anh xác định sẽ phải đặt cược hết mọi thứ vào dự án, không còn suy nghĩ đến cái gì khác. Nếu đã xác định được đâu là bờ và đã có hoa tiêu dẫn đường thì từ từ, thuyền sẽ cập bờ.
Nguyễn Bá Cảnh Sơn, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dat Bike bên chiếc xe máy điện dòng Weaver 200 do Dat Bike thiết kế và sản xuất |
Tương tự, Dat Bike, startup thiết kế và sản xuất xe máy điện từng được ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), công bố gọi vốn thành công 5,3 triệu USD tại vòng Series A. Dẫn đầu vòng rót vốn này là quỹ Jungle Ventures, cùng sự tham gia của quỹ Wavemaker Partners. Như vậy, tổng vốn huy động của công ty kể từ khi thành lập chính thức cán mốc 10 triệu USD. Dat Bike dự định sử dụng khoản đầu tư mới này vào phát triển công nghệ và quy mô sản xuất, mở rộng thị trường ra các thành phố lớn và đô thị loại 1 trên cả nước, đồng thời tuyển dụng những nhân tài hàng đầu. Nguyễn Bá Cảnh Sơn, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dat Bike chia sẻ, khi khởi nghiệp, anh không còn tự bó buộc bản thân vào vai trò một kỹ sư phần mềm nữa mà xem mình là một người có thể tự giải quyết được các vấn đề.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quốc Hân, người sáng lập, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Ctnet - EasySalon cho biết, khách hàng luôn được xem là “nhà đầu tư” lớn nhất của một công ty khởi nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ về khách hàng để điều chỉnh lại mô hình kinh doanh cho phù hợp là điều cần thiết nếu muốn khởi nghiệp thành công.
EasySalon là startup chuyên cung cấp giải pháp quản lý và chăm sóc khách hàng trên nền tảng số cho các tiệm spa, làm đẹp, chăm sóc tóc… Khi trao đổi với một số chủ tiệm cắt tóc, salon làm đẹp... tại Đà Nẵng, anh nhận ra nhiều chủ tiệm giỏi chuyên môn nhưng lại yếu kỹ năng quản trị, chăm sóc khách hàng, sử dụng công nghệ… Là người có chuyên môn trong ngành công nghệ nhưng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý các salon làm đẹp, anh đã đầu tư vào việc tìm hiểu và sau 8 tháng phiên bản chính thức của phần mềm quản lý và chăm sóc khách hàng Easy Salon ra mắt. Phần mềm có nhiều tính năng như: thu ngân, quản lý khách hàng, quản lý thu - chi, quản lý nhân viên, đánh giá hiệu quả kinh doanh… Hiện nay, Easy Salon đã có các văn phòng tại Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng quy mô ra toàn quốc.
Trung tâm khởi nghiệp quốc gia
Theo đề án “Xây dựng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, thành phố Đà Nẵng đã ban hành các chính sách nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, các cá nhân nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sẽ được thành phố ưu tiên nhận tài trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, được xem xét hỗ trợ kinh phí thuê văn phòng, không gian làm việc và ươm tạo, được ưu tiên xem xét cấp đất, cho thuê đất trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, được xem xét cấp vốn không quá 30% từ quỹ đầu tư của tổ chức tài chính Nhà nước và các quỹ đầu tư tư nhân khác; được tư vấn miễn phí chào bán cổ phiếu lần đầu - IPO...
Bên cạnh đó, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia chương trình ươm tạo tại Đà Nẵng sẽ được xem xét tài trợ chi phí làm sản phẩm mẫu. Các chuyên gia, tài năng khởi nghiệp từ nước ngoài được hỗ trợ chỗ làm việc. Các nhà khoa học có công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học và công nghệ nghiệm thu đạt chất lượng sẽ được ưu tiên tham gia chương trình ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp. Thành phố khuyến khích các viện, trường thành lập quỹ đầu tư theo cơ chế hợp tác công - tư nhằm tạo lập doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhà trường. Các trường đại học cũng sẽ được hỗ trợ chi phí thành lập trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo... Xây dựng môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thân thiện, thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, được xem là chìa khóa để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2030.
Đề cập về kết quả khởi nghiệp trên địa bàn thành phố, TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết: Đến nay, thành phố đã xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn với 6 vườn ươm; 2 không gian sáng tạo; 9 không gian làm việc chung; 10 câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố và 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp. Đến nay, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã ươm tạo được khoảng 130 dự án khởi nghiệp, chủ yếu ở lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, Đà Nẵng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp: Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từng bước hình thành và phát triển văn hóa khởi nghiệp, xây dựng hình ảnh “Đà Nẵng-điểm đến của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ công tác ươm tạo các dự án khởi nghiệp tại các vườn ươm, cơ sở ươm tạo trên địa bàn thành phố; tổ chức ngày hội khởi nghiệp thường niên gắn với các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng nhằm hỗ trợ, ươm tạo, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các nguồn quỹ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư...
Bà Lê Mỹ Nga, cố vấn các vườn ươm khởi nghiệp Đà Nẵng, đồng thời là tác giả cuốn sách “Chat với startups - Từ ý tưởng đến gọi vốn thành công” đã nhìn nhận: Chính quyền thành phố đã rất quan tâm tạo điều kiện thiết thực, trong đó có hỗ trợ tài chính cho những dự án tiềm năng, có chính sách thu hút các startup từ nhiều địa phương nhằm xây dựng và hoàn thiện bức tranh đa sắc màu về khởi nghiệp cho thành phố. Đây chính là bước đi phục vụ chiến lược hiện thực hóa mục tiêu Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, là điểm sáng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và khu vực trong tương lai gần.