Startup Việt gian nan gọi vốn ngoại
Vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam cao kỷ lục | |
Kết nối các nguồn lực sáng tạo | |
Giới trẻ Việt Nam có tham vọng kinh doanh đứng thứ 3 ASEAN |
Quốc gia khởi nghiệp
Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam lớn mạnh và phát triển với tốc độ rất nhanh. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì năm 2015, con số này đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup, và đến nay là khoảng 3.000. Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) công bố gần đây cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các DN khởi nghiệp, và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đem đến những cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với hệ sinh thái khởi nghiệp phong phú tại Việt Nam cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào các DN khởi nghiệp Việt Nam. Tính đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Theo Topica Founder Institute (TFI), lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016-2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Austrade cho rằng vốn nước ngoài được chào đón, các quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức công nghệ quốc tế đang phát triển dấu ấn riêng tại Việt Nam.
Vẫn khó trong gọi vốn ngoại
Tuy nhiên, dù số lượng nhiều nhưng phần lớn các DN khởi nghiệp trong nước, đặc biệt là những DN trong lĩnh vực công nghệ vẫn đang gặp vô vàn khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư ngoại.
Tổng vốn đầu tư vào các startup của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và có rất ít DN thu hút được vốn đầu tư vài chục triệu USD. Theo bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup Việt Nam, với mọi DN khởi nghiệp, các quỹ đầu tư là một sự hỗ trợ thiết thực mà các startup có thể hướng tới. Quỹ đầu tư nước ngoài đã dần trở thành một cơ hội lớn, mang tầm ảnh hưởng quan trọng đối với các startup của Việt Nam, không chỉ là mang lại nguồn vốn, mà quan trọng nhất là những kiến thức kỹ năng có được khi tiếp cận môi trường khởi nghiệp toàn cầu.
Trên thực tế, khả năng tiếp cận tài chính của các DN khởi nghiệp trong nước còn yếu. Không ít những DN khởi nghiệp có năng lực, ý tưởng kinh doanh tốt vẫn không gọi được vốn và đây là một trong những khó khăn chính của các DN này. Mặc dù nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ nhưng việc tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn không ít trở ngại, mà rào cản pháp lý là vấn đề hàng đầu khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm còn e dè. Môi trường phát triển DN cũng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm… tạo thành các rào cản, nút thắt khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các DN khởi nghiệp sáng tạo vì thế cũng mất đi cơ hội kinh doanh.
Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu, nhưng cũng là một trong số 20 quốc gia với khả năng thấp nhất trong việc thực hiện các kế hoạch kinh doanh. Trong số 3.000 startup của Việt Nam, chỉ có 3% là thực sự thành công còn 80% là không thể tồn tại quá 2 năm. |
TS. Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp cho rằng, Việt Nam thiếu nhiều khung pháp lý cho những loại hình kinh doanh mới Điều đáng lưu ý là pháp luật của chúng ta luôn đi sau thực tiễn, gây nhiều khó khăn cho các DN khởi nghiệp.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những hạn chế, vượt qua những trở ngại nhằm tiếp tục tạo môi trường phát triển hơn nữa cho hoạt động khởi nghiệp, nhất là việc thu hút vốn đầu tư cho các startup Việt, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, pháp lý thuận lợi trong việc thu hút nguồn tài chính bảo đảm cho các DN khởi nghiệp trụ vững. Pháp luật Việt Nam cần phải có những thay đổi kịp thời cho phù hợp với thực tiễn.
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, Đề án 844 đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ được 800 dự án, 200 DN khởi nghiệp sáng tạo (KNST), trong đó có 50 DN KNST gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo đó, thực hiện điều này, chúng tôi hướng đến các hoạt động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ KNST, tăng cường nâng cao năng lực và liên kết các thành phần của hệ sinh thái KNST, phát triển truyền thông hình thành văn hóa KNST cũng như thúc đẩy kết nối hệ sinh thái Việt Nam và quốc tế.