Giới trẻ Việt Nam có tham vọng kinh doanh đứng thứ 3 ASEAN
Theo khảo sát, 25,7% thanh niên Việt Nam muốn làm việc cho chính mình, với tinh thần kinh doanh phát triển công nghệ. Việt Nam đứng thứ 3, sau Indonesia với 35,5% và Thái Lan với 31,9%.
Cuộc khảo sát thăm dò ý kiến của 56.000 người trong độ tuổi từ 15-35 từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
WEF dẫn lời một chuyên gia về thị trường khởi nghiệp (start-up) Việt Nam cho rằng: “Làn sóng startup tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, trong điều kiện thuận lợi khi có sự khuyến khích từ các cơ quan chức năng, các hiệp hội, nhà đầu tư. Cho nên, việc có tới hơn 1/4 giới trẻ Việt Nam có tham vọng tự làm kinh doanh cũng là điều dễ hiểu”.
Ở Việt Nam, có tới 1/4 giới trẻ có tham vọng tự làm kinh doanh |
Tại Việt Nam, giới trẻ đang ngày càng quan tâm đến việc thành lập doanh nghiệp của riêng họ. Theo Topica Founder Institute, một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam và Thái Lan, trong năm 2018, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD thông qua 92 thương vụ đầu tư. Con số này gấp 3 lần con số cộng đồng này nhận được trong năm 2017 với cùng số lượng giao dịch, và gấp 6 lần so với năm 2016.
Ông Vương Mạnh Sơn, người sáng lập Viện Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn - Saigon CTT khẳng định: “Việt Nam đang phát triển với thế hệ trẻ năng động, ham làm giàu. Họ chấp nhận rủi ro, họ muốn tự chủ. Thời đại Internet giúp họ có nhiều thông tin, dễ dàng tìm đối tác, dễ tìm các sản phẩm và dịch vụ thích hợp, tính toán được đầu tư, chi phí và lợi nhuận…”.
WEF khuyến cáo, mặc dù tự kinh doanh có nhiều hấp dẫn đặc biệt so với đi làm thuê, nhưng nhiều người trẻ khởi nghiệp chưa lường trước được những khó khăn phải giải quyết, cũng như chưa đủ năng lực để xử lý tình huống.
Trong giai đoạn ban đầu, ý tưởng kinh doanh là quan trọng, được chú trọng, dường như đây là điểm chính làm nên sự hấp dẫn của mỗi startup. Việc thực thi mô hình mới là yếu tố dẫn dắt tới sự thành công trong quá trình kêu gọi vốn. Tuy nhiên, trong việc triển khai mô hình mới, các doanh nghiệp thường gặp không ít trở ngại và rủi ro.
“Rủi ro rất cao vì ‘khó người khó ta, dễ người dễ ta’. Tính cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm và thị trường thay đổi nhanh. Ai nhanh, có quyết định đúng đắn kịp thời sẽ thắng. Ai tận dụng được ưu thế vượt trội của công nghệ Internet sẽ thắng”, ông Vương Mạnh Sơn nhận định.
Các chuyên gia của WEF cũng cho rằng, dù môi trường khởi nghiệp Việt Nam còn non trẻ so với thế giới, nhưng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.
“Việt Nam đang ở cuối thời kì dân số vàng, nền kinh tế đang phát triển, có hơn nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động, hàng trăm trường đại học và trung tâm nghiên cứu trên cả nước”, WEF nhận định.