Sự trở lại của Bphone: Niềm hy vọng của smartphone Việt?
Có thể thấy ở thời kỳ cao điểm, thị trường nước ta từng ghi nhận có tới hơn 30 thương hiệu điện thoại Việt chen chân thị phần điện thoại giá rẻ, tuy nhiên đến nay, số thương hiệu còn trụ lại có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Q-Mobile, Mobiistar, HKPhone, FPT, VNPT, Viettel là một số ít cái tên còn xuất hiện trên thị trường dù không thực sự mạnh mẽ.
Nếu biết chọn đúng hướng, các nhà sản xuất thiết bị di động mang thương hiệu Việt hoàn toàn có thể thành công trên sân nhà |
Trong khi đó, những cái tên như Mobell, Malata, Wellcome, Hi-mobile, Bluefone… dường như đã biến mất không còn dấu vết. Đáng chú ý là phần lớn các thương hiệu điện thoại Việt này đều có điểm chung là mang nhãn mác Việt còn “ruột” thì phần lớn được sản xuất và lắp ráp bởi các linh phụ kiện nhập từ Trung Quốc và do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất theo dạng sản phẩm không nhãn mác, các đơn vị kinh doanh tự gắn mác.
Chính từ bản chất “vỏ” Việt, ruột Trung Quốc đã tác động lên tâm lý nghi hoặc, thiếu tin cậy vào sản phẩm đối với người tiêu dùng, tất nhiên, điều cốt lõi đó là chất lượng thật sự của những dòng điện thoại này cũng “có vấn đề” khiến các thương hiệu này sớm phải chia tay với sân chơi smartphone béo bở và chưa có dấu hiệu bão hòa.
Thành công lớn nhất của điện thoại thương hiệu Việt đến thời điểm hiện tại có thể nói đó là Mobiistar. Đây là một thương hiệu điện thoại Việt Nam ra đời cách đây 8 năm cùng với các thương hiệu khác như Q-Mobile, Viettel hay FPT Mobile. Song ngay từ khi xuất hiện, Mobiistar tập trung vào dòng smartphone giá rẻ - mức giá từ 4 triệu đồng/sản phẩm trở xuống.
Trong một đánh giá đầu năm 2017 được Tổ chức Nghiên cứu thị trường GFK đưa ra về tổng quan ngành hàng smartphone tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016, thương hiệu Mobiistar đã thăng hạng mạnh, chỉ xếp sau Apple tại Việt Nam với thị phần 5,2%. Lý giải về thành công bất ngờ này của Mobiistar, ông Ngô Nguyên Kha - CEO Mobiistar chia sẻ, chúng tôi tập trung vào việc giải quyết nhu cầu người dùng, thuyết phục họ rằng chúng tôi làm được điều đó. Quan trọng là phải biết họ có tin hay không. Nếu không tin thì đừng cố, hay để họ bị thuyết phục hay rủ rê bởi cộng đồng, bởi bạn bè họ, bởi những ai mà họ tin.
Và không thể không nhắc tới Bkav với sản phẩm Bphone của họ. Những phát biểu của lãnh đạo Bkav cho thấy đây là một sản phẩm hứa hẹn và cũng khá táo bạo của tập đoàn này khi đánh thẳng vào phân khúc cao cấp. Đại diện Bkav khẳng định 100% thiết kế kiểu dáng, thiết kế điện tử, thiết kế cơ khí và sản xuất của smartphone mới của công ty đều ở Việt Nam. Trong đó, thiết kế kiểu dáng, thiết kế mạch điện tử, thiết kế cơ khí do Bkav thực hiện.
Trong khi đó, phần sản xuất do Bkav và các đối tác 100% tại Việt Nam làm. Bkav cho hay, Bphone mới sẽ có hơn 900 linh kiện với hàng trăm đối tác cung cấp, trong đó có 0,9% linh kiện đến từ Hong Kong và Trung Quốc và đều là những chi tiết không quan trọng. Có thể thấy sự ra đời của Bphone thế hệ đầu tiên đã thổi một luồng gió mới vào thị trường điện thoại Việt. Hy vọng sự trở lại lần này của Bphone sẽ thật sự mang lại cho người tiêu dùng sự lựa chọn hoàn hảo hơn trên thị trường điện thoại thông minh.
Theo các chuyên gia thì để điện thoại thương hiệu Việt có chỗ đứng vững trên thị trường các nhà sản xuất, phân phối phải nhìn thẳng vào tâm lý của người Việt. Phải làm “vừa lòng” khách hàng Việt chúng ta. Tâm lý người Việt chúng ta là thích "ngon, bổ, rẻ" tức là giá thành hợp lý và công nghệ tích hợp tối đa, máy chạy nhanh, mượt mà… Cùng với đó là tập trung phát triển phần mềm phù hợp với tâm lý và thị hiếu của người dùng, thể hiện rõ được đây là điện thoại thuần Việt.
Với sự trở lại đầy tự tin lần này của Bphone, Mobiistar đã cho thấy nếu biết chọn đúng hướng, các nhà sản xuất thiết bị di động mang thương hiệu Việt hoàn toàn có thể thành công trên sân nhà.