Tạm hoãn xuất cảnh: Biện pháp cứng rắn, hiệu quả trong thu hồi nợ thuế
Nợ đọng thuế tại nhiều địa phương có xu hướng tăng cao Thu hồi nợ thuế trên cơ sở tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp Bộ Tài chính phản hồi về nợ thuế thu nhập cá nhân |
Tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn, hiệu quả trong thu hồi nợ thuế |
Thu hồi nợ thuế có tiến triển
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tổng nợ thuế nội địa ước đến ngày 31/8/2024, khoảng 206 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1% so với thời điểm cuối năm ngoái. Thời gian qua ngành thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp cưỡng chế, đẩy mạnh việc nâng cấp ứng dụng hỗ trợ việc triển khai thu nợ thuế, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế… Nhờ đó, lũy kế đến hết tháng 8/2024, toàn ngành Thuế đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước được 53,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tình hình thu nợ thuế đã có nhiều tiến bộ...
Song áp dụng hình thức cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh nợ thuế với số tiền dù lớn hay nhỏ đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều chủ doanh nghiệp phản ánh, họ không khỏi bất ngờ khi đến sân bay làm thủ tục xuất cảnh mới biết tên mình có trong danh sách bị tạm hoãn xuất cảnh vì lý do nợ thuế. Đặc biệt có chủ doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh chỉ vì doanh nghiệp nợ tiền thuế chỉ từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Với số tiền nợ thuế rất nhỏ nhiều doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh nhưng lại gây thiệt hại lớn về kinh tế. TS. Ngô Minh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tài chính cho rằng, điều thiệt hại lớn nhất với doanh nghiệp là chữ tín vì không có mặt vào thời điểm ký hợp đồng, giao lưu với đối tác, ký kết hợp đồng lớn và rất lớn của họ, dẫn đến một số hệ quả tiếp theo phải xử lý như đền bù hợp đồng, gia tăng hoặc đội chi phí của những hợp đồng đó.
Về vấn đề này, cách đây không lâu, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân, pháp nhân có nợ thuế và thuộc diện có nguy cơ cao không thu hồi được nợ thuế do ra nước ngoài không quay trở lại hoặc rất lâu mới quay trở lại Việt Nam. Với người dân ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân, hội thảo, hội nghị... dù còn nợ thuế vẫn được xuất cảnh bình thường. Ngay cả với các trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh nhưng nếu có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thì vẫn có thể được xuất cảnh.
Tạo thuận lợi thực hiện nghĩa vụ thuế
Bà Nguyễn Thu Trà, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn, hiệu quả để cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế, cũng như đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để tham mưu với cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, trong đó có nghĩa vụ trả nợ thuế.
Nhằm tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế, bà Nguyễn Thu Trà cho biết, cơ quan thuế đã và đang rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để đôn đốc người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh. Việc phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan xuất nhập cảnh được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo việc thông báo tạm hoãn xuất cảnh kịp thời, đúng đối tượng và thực hiện giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh ngay trong trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Quy định là cần thiết song Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc hãng Luật IAM, quy định pháp luật, không có trường hợp không A thì B, mà A là A và B là B. Do đó, nhiều trường hợp đã bị cho là áp dụng hơi cứng nhắc vì pháp luật không có quy định doanh nghiệp nợ bao nhiêu mới bị tạm hoãn xuất cảnh. Vì vậy cần sớm có các quy định liên quan tạm hoãn xuất cảnh nên quy định mức tiền thuế nợ của doanh nghiệp, cá nhân tối thiểu là bao nhiêu có vẻ hợp lý hơn. Việc bỏ ngỏ giới hạn số tiền nợ bao nhiêu, có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng quyền lực. Thứ nữa, cần quy định cơ quan quản lý gửi ngay thông báo tạm hoãn xuất cảnh cho người nợ thuế khi ra thông báo. Bên cạnh việc phạt người chậm nộp thuếthì ngay chính ngành thuế chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp cũng cần có quy định để đảm bảo tính công bằng trong thực thi pháp luật.