Tảng băng chìm “sàn tranh trực tuyến”
Những năm gần đây cũng như hiện tại, rất nhiều trang web và trang mạng xã hội bán tranh ở nước ta được tạo ra, góp phần thúc đẩy nghệ thuật hội họa tiếp cận với số đông công chúng. Theo họa sĩ Bùi Thanh Tâm, ưu điểm của việc bán tranh online hiện nay là kéo công chúng xích lại gần với nghệ thuật hơn. Công chúng ở đây là người chơi chứ không phải là nhà sưu tầm chuyên nghiệp và họ đến với chợ tranh online chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu trang trí của mình. Mua bán tranh trên mạng cũng là cách giúp họa sĩ giới thiệu tranh của mình một cách nhanh nhất đến với công chúng, có họa sĩ còn tìm được nhà sưu tập cho mình trên mạng. Không chỉ sưu tầm một vài bức, nhà sưu tập theo dõi sự trưởng thành của họa sĩ, cứ có bức nào mới đăng lên facebook, thấy hợp gu, họ đặt mua ngay.
Các trang mạng bán tranh trực tuyến ở nước ta không còn xa lạ với nhiều người |
Trong kho đó, họa sĩ Phan Quang Tân chia sẻ, qua mạng xã hội facebook, các họa sĩ trong nhóm của anh bán được rất nhiều tác phẩm. Có họa sĩ trước đây chỉ bán được dăm ba bức tranh nhưng giờ bán được khá nhiều. Trước đây, những tác phẩm thiên về nghệ thuật rất khó bán nhưng sau khi khách hàng tiếp cận với tranh phong cảnh, tĩnh vật, họ lại muốn mua thêm những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Từ đây, thương hiệu của họa sĩ dần được nâng lên, có những tác phẩm bán được hàng chục triệu đồng. Nếu trước đây, tác phẩm vẽ xong cũng chỉ để ngắm thì nay, những tương tác qua mạng xã hội càng kích thích họa sĩ sáng tạo, vì họ có thêm thu nhập để làm việc, có thêm mối quan hệ. Nhiều năm qua, hàng trăm bức tranh của các họa sĩ đã được giao dịch trên mạng thay vì chỉ là những buổi đấu giá trong các nhà đấu giá. Không ít họa sĩ đã được định danh thậm chí bận bịu sáng tác quanh năm vì mỗi tác phẩm mới của họ khi được giới thiệu trên mạng đều được khách hàng đăng ký mua ngay.
Mặc dù có những ưu điểm kể trên, nhưng theo họa sĩ Nguyễn Quốc Trung, khi mua tranh trên mạng thì người mua xem tranh qua điện thoại, qua màn hình nên giảm đi khoảng 50% giá trị thực tế. Khi nhìn trực tiếp thì có ánh sáng đập vào, sự gồ ghề của chất liệu bề mặt, màu thật sẽ khác với màu chụp ảnh nên cảm xúc khác nhau rất nhiều. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến có cùng quan điểm khi cho biết, nếu nhìn tranh qua mạng, không cảm nhận được là mình đứng trước tác phẩm bằng xương bằng thịt, bằng tất cả tinh thần của người nghệ sĩ khi thể hiện tác phẩm.
Trước đây, các họa sĩ tên tuổi ở nước ta bức xúc khi trang mạng xuongtranh.vn trưng bày, giới thiệu nhiều tranh sao chép, tranh giả và các bức tranh được rao bán với giá rẻ. Tranh giả được chia theo các đề tài: phong cảnh, phong thủy, tĩnh vật, trừu tượng, đời sống và sắp xếp theo những tác phẩm mới nhất, tác phẩm được duyệt bởi hội đồng nghệ thuật, tác phẩm nổi bật, tác phẩm tiêu biểu, tác phẩm được nhà sưu tập quan tâm nhiều nhất, tác phẩm dễ treo tạo điểm nhấn cho căn hộ. Người mua chỉ cần xem tranh, ưng giá, click vào giỏ mua hàng, điền thông tin và xuongtranh.vn sẽ chép lại bức tranh khách đặt. Giá mỗi bức tranh chủ yếu từ 2 - 3 triệu đồng/bức. Trên tranh có cả chữ ký, gồm chữ ký giả và thậm chí là chữ ký của chính người sao chép. Tuy nhiên, tên đầy đủ tác giả của từng bức tranh thì không hề được giới thiệu.
Họa sĩ Đặng Tiến cũng có lần “kêu trời” rằng tranh của anh vẫn đang giữ mà có người rao bán trên mạng với giá khuyến mại rất bèo bọt. Bên cạnh đó nhiều bức tranh của danh họa như Bùi Xuân Phái đến Thành Chương, Bùi Hữu Hùng, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Đào Hải Phong… cũng bị (được) rao bán đầy trên mạng, hầu hết tranh trên mạng là tranh giả, tranh nhái. Theo họa sĩ Đặng Phương Việt, những tác phẩm tốt và hay ít khi được người sáng tác đưa lên mạng bán vì sợ bị sao chép. Họa sĩ này từng phát hiện khá nhiều phòng tranh bán online gắn tên anh vào một tác phẩm nhái, giả để lừa khách hàng. Để tránh tình trạng khách mua nhầm tranh chép, Đặng Phương Việt không bán tranh online cho khách khi khách chưa gặp và xem tranh thật của mình.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tiết tấu công việc nhanh, nhiều áp lực, cuộc sống bộn bề, việc tận dụng mạng xã hội để giới thiệu, mua bán tranh trực tuyến đang là cách thức hiệu quả được nhiều người yêu thích nghệ thuật chọn lựa. Tuy nhiên, phần nhiều đó là những hoạt động tự phát. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, nhận định: “Thị trường tranh online hiện nay chưa chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ phải tự bơi là nhiều. Điều đó nhiều khi đang làm loạn thị trường. Việc đăng nhỏ lẻ những tác phẩm làm băm nhỏ sự tập trung của sáng tác cũng như là diễn ngôn tổng thể của một đợt sáng tác”.