Hướng tới “xanh hóa” thương mại điện tử
Sẽ sử dụng AI để kiểm soát các hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử Sẽ thu thuế hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng |
Rác thải từ TMĐT tăng mạnh
Quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa trực tuyến năm 2023 của Việt Nam ước tính khoảng 17,3 tỷ USD; dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD. Ước tính năm 2023, TMĐT ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn.
Ông Nguyễn Thanh Hưng (Hội đồng Tư vấn của Hiệp hội TMĐT Việt Nam) cho biết, bao bì phổ biến cho các gói, kiện hàng hóa trong bán lẻ trực tuyến là hộp carton, túi giấy hoặc túi nylon. Vật liệu phụ dùng để chèn, lót, bọc bao gồm băng keo nhựa hoặc băng keo giấy, xốp nylon bong bóng khí hoặc giấy hay thùng carton cắt sợi để chèn hàng hóa, mút xốp hoặc giấy cố định sản phẩm, màng bọc nylon, màng bọc hay nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy quấn quanh hàng hóa.
Khảo sát của nhóm nghiên cứu trên các kênh bán hàng trực tuyến cho thấy, túi nylon được sử dụng trên mọi nền tảng online, không phân biệt là website, sàn TMĐT hay mạng xã hội. Khi bán hàng đa kênh thì số lượng nylon dùng trong đóng gói chiếm tỷ trọng rất cao và vượt trội so với bán hàng đơn kênh, với tỷ lệ tương ứng là 71,9% và 50%.
Hiện nay, hầu hết rác thải nhựa từ TMĐT bị bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt nên chưa được thu gom, phân loại, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường dẫn đến một tỷ lệ cao rác thải nhựa từ TMĐT sẽ đổ ra biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có bất cứ quy định pháp luật nào về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hạn chế vật liệu nhựa đối với đóng gói hàng hóa bán lẻ trực tuyến.
Doanh nghiệp tiên phong xanh hóa
Theo số liệu mới nhất của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trong năm 2024, có đến 59% người tiêu dùng sẵn sàng tăng cường sử dụng các sản phẩm xanh. Điều này cho thấy rằng xu hướng tiêu dùng xanh đang dần trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Vì vậy nhiều doanh nghiệp đã tiên phong cải tiến trong khâu đóng gói, vận chuyển nhằm hạn chế rác thải và ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông Vũ Quốc Thịnh – Tổng giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, hành trình đơn hàng từ nhà sản xuất đến người bán hàng đi qua từ 20 - 30 bước. Hàng hóa hiện nay đa dạng nhưng quy chuẩn đóng gói không nhiều. Do vậy, Lazada đã sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải. Sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn lót.
Còn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Vietnam Post sử dụng xe máy điện trong giao nhận hàng hóa. Bên cạnh đó, đơn vị hiện có 100 chiếc container trên 2 tàu container nhanh tuyến Hà Nội - Bình Dương, lưu thoát khoảng 300 tấn hàng. Việc xanh hóa hoạt động vận tải giúp Vietnam Post giảm lượng khí thải CO2 khoảng 8,8 lần. Với hoạt động đóng gói, Vietnam Post ưu tiên sử dụng túi giấy, túi vải, chai lọ bình thủy tinh tại hơn 13.000 điểm phục vụ, số hóa tài liệu, quy trình để giảm thiểu in ấn, sử dụng giấy.
Mới đây, VinFast cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng trên khắp cả nước khi trở thành hãng xe đầu tiên mở bán ô tô điện trên sàn TMĐT tại Việt Nam. Sự hợp tác giữa VinFast và Shopee nhằm gia tăng độ nhận diện giúp cho khách hàng có thêm lựa chọn kênh mua sắm cũng như góp phần giảm phát thải, giúp môi trường ngày càng trở nên “xanh” hơn.
Hiện nhiều doanh nghiệp hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp đã quan tâm đến xu hướng xanh và có những hành động cụ thể. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vận chuyển nhỏ lẻ thì việc giảm thiểu phát thải từ hoạt động đóng gói, vận chuyển vẫn là một vấn đề lớn.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, để phát triển TMĐT bền vững, các nhóm đối tượng cần tham gia trực tiếp vào quy trình giảm rác thải gồm khối cơ quan quản lý Nhà nước; người tiêu dùng; doanh nghiệp TMĐT; logistics, hoàn tất đơn hàng; cơ quan truyền thông, báo chí; hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng các đơn vị liên quan khác. Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp TMĐT xanh, mô hình TMĐT bền vững. Xây dựng và khuyến khích áp dụng bộ tiêu chuẩn đóng gói hàng hoá cho TMĐT theo hướng ưu tiên sử dụng vật liệu có thể tái chế, giảm rác thải nhựa. Ông Tuấn nhấn mạnh, khi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng, TMĐT cũng bắt buộc phải chuyển mình.