Tăng cầu tín dụng: Cần hỗ trợ từ nhiều yếu tố
Sức hấp thụ vốn vẫn khiêm tốn
Trong những tháng đầu năm 2020, NHNN đã có hai lần giảm đồng bộ các loại lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19. Kết quả, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm tới 1%/năm; lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức trung bình so với mặt bằng của các nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực.
Tín dụng tăng chậm vì sản xuất - kinh doanh gặp khó |
Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động đề xuất, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, mạnh mẽ các giải pháp về tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ DN và người dân khắc phục khó khăn, tổn thất, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Không chỉ vậy, NHNN còn tổ chức nhiều Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước để lắng nghe những ý kiến đề xuất cũng như kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay của DN. Cùng với đó NHNN đã ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2019/TT-NHNN lùi lộ trình giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn thêm một năm, nhằm hỗ trợ cho TCTD để đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN vay vốn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn rất khiêm tốn. Theo đánh giá của SSI, tăng trưởng tín dụng trung bình của 12 ngân hàng niêm yết đạt 3,65% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ bằng một nửa mức 7,4% trong nửa đầu năm 2019. Tăng trưởng huy động bình quân cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, đạt 4,75% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến thanh khoản dồi dào với hệ số cho vay trên huy động (LDR) giảm trong toàn hệ thống. Tỷ lệ LDR trung bình giảm xuống mức thấp nhất trong 8 quý qua. Đến cuối tháng 7, lãi suất huy động toàn ngành đã giảm từ 90 đến 210 điểm cơ bản trên tất cả các kỳ hạn.
Dù ở một số nhà băng có ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao so với đầu năm như HDBank với 9,6%; LienVietPostBank và SHB đều có mức 8,4%; VIB 6,7%... nhưng nhìn chung vẫn chủ yếu đến từ cho vay ngắn hạn. Tại VIB, cho vay các tổ chức kinh tế gần như giữ nguyên trong 6 tháng qua, trong khi cho vay cá nhân và cho vay khác tăng trưởng đến 8,2%. Tăng trưởng của ACB đến từ mảng khách hàng cá nhân tăng 6,4% và mảng khách hàng SME 6%, mảng khách hàng doanh nghiệp lớn giảm 2% so với đầu năm…
Các chuyên gia cho rằng, mỗi ngân hàng có quy mô tín dụng khác nhau, quy mô tổng tài sản khác nhau nên tỷ lệ tăng trưởng cũng sẽ khác nhau. Ngân hàng quy mô nhỏ thì tỷ lệ tăng trưởng sẽ cao hơn so với ngân hàng lớn. Nhưng nếu xét về con số tuyệt đối thì 1% tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng lớn bằng các ngân hàng nhỏ tăng trưởng cả chục phần trăm. Vì thế, chỉ cần tín dụng tại các ngân hàng đầu tàu tăng thêm 1% thôi sẽ kéo tín dụng của cả hệ thống tăng lên rất nhiều, thế nhưng hiện tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này không quá cao. “Việc một số nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng khả quan có thể cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng xét về tổng thể thì mức tăng trưởng tín dụng vẫn là thấp, do không mang tính đại diện”, chuyên gia này nêu quan điểm.
Cũng có chung quan điểm như vậy, TS. Châu Đình Linh cho rằng, tăng trưởng tín dụng ở một vài ngân hàng này chủ yếu tập trung ở cho vay ngắn hạn, cho vay tiêu dùng. Trong khi một trong những mục tiêu quan trọng của nền kinh tế là tập trung vào DN để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng kinh tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, phần nhiều DN không tiếp cận được vốn chủ yếu do phía DN không đảm bảo được điều kiện vay vốn khiến các ngân hàng không thể “nhắm mắt cho vay” được vì rủi ro nợ xấu.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Thừa nhận tín dụng tiêu dùng để đẩy mạnh sức mua sẽ là yếu tố quan trọng góp phần kích cầu tín dụng, song TS. Châu Đình Linh cũng chia sẻ, ở những nước phát triển rất nên kích thích tín dụng tiêu dùng. Nhưng với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, phải lưu ý rằng tiêu dùng xong thì phải có nguồn thu để trả nợ, thu nhập ổn định và có xu hướng tăng. Như vậy mức thu nhập bình quân đầu người phải cao thì việc đẩy mạnh tiêu dùng qua tín dụng mới có tác động mạnh. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, tăng tín dụng tiêu dùng nhưng phải lưu ý cả tới việc có cơ chế để khuyến khích tiêu dùng, thực hiện hoạt động đầu tư, tạo ra nhiều tiền hơn thông qua mức thu nhập của mình.
Giới chuyên gia nhìn nhận ngân hàng vẫn có thể giảm thêm lãi suất cho vay nhờ hạ sâu thêm lãi suất huy động, song mức giảm sẽ không nhiều, tối đa chỉ khoảng 0,5-1%. Tuy nhiên chỉ việc giảm lãi suất đơn thuần thôi là chưa thể kích thích tín dụng tăng nhanh, nếu không có sự trợ lực từ các yếu tố khác, đặc biệt là từ các chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, giải ngân đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng, đây là động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đẩy mạnh các dự án đầu tư công sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và tạo hiệu ứng lan tỏa sang nhiều lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Hoạt động kinh tế khởi sắc sẽ kéo theo nhu cầu tín dụng tăng. Bởi vậy theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công sẽ là yếu tố dẫn dắt gỡ nút thắt tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Một yếu tố khác cũng được giới chuyên gia đánh giá sẽ có tác động tích cực đến tín dụng nằm chính ở nội tại của DN. Theo đó, bản thân các DN phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới, phải trách nhiệm hơn trong việc đưa ra phương án kinh doanh, minh bạch hơn trong báo cáo tài chính… thì khi đó mới dễ tiếp cận vốn từ các ngân hàng.
Các chuyên gia cũng chia sẻ thêm, đối với gói kích thích kinh tế lần 2, đặt trong bối cảnh nhìn nhận các trụ cột tăng trưởng là gì, từ đó sẽ xem xét việc từ những trụ cột này cần kích thích những chủ thể kinh tế nào, đối tượng DN nào phục vụ trực tiếp cho trụ cột tăng trưởng đó thì sẽ sâu sắc hơn. Không nên cào bằng hay dàn trải cho mọi bộ phận, thì mức độ ảnh hưởng để đạt tới mục tiêu sẽ thấp hơn.