Tăng cường các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững
Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững |
Công điện của Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển, phát huy vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thu hút đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tích cực, trách nhiệm thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển TTCK, theo đó về cơ bản TTCK đã duy trì hoạt động ổn định, an toàn, thực chất hơn, hiệu quả và minh bạch hơn, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương kỷ luật trên thị trường, tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước; công tác thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh của TTCK Việt Nam được chú trọng, hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi.
Thời gian tới, thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo, tác động tiêu cực đến thị trường vốn, tiền tệ, TTCK nước ta. Để TTCK Việt Nam phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bên vững hơn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của phiên họp Chính phủ thường kỳ, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định pháp luật, bám sát diễn biến thị trường để chủ động, kip thời thực hiện các biện pháp ổn định và phát triển TTCK; phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện hỗ trợ TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả của nền kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của TTCK trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra và vào thị trường để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát thị trường phù hợp, kịp thời, sát với tình hình, bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định TTCK, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn.
Thủ tướng cũng yêu cầu chủ động, thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của TTCK cả trước mắt và lâu dài.
Tại Công điện này, Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp tăng cường chất lượng hàng hóa trên TTCK; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ...; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư theo hướng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư, đồng thời chủ động cung cấp thông tin, đào tạo kiến thức tài chính - chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất, nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức; kịp thời, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK theo quy định pháp luật; kịp thời cảnh báo sớm và có phương án xử lý các rủi ro có thể phát sinh, bảo đảm TTCK hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt.
Công điện cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, điều hành, giám sát hoạt động TTCK, có giải pháp hiệu quả để bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật các giao dịch trên thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công bố thông tin kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng thuộc phạm vi quản lý. Đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án công nghệ thông tin, các đề án lớn của ngành Chứng khoán để đảm bảo nền tảng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở pháp lý cho TTCK phát triển ổn định, lâu dài.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an sớm hoàn thành việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư; tiến tới việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán, góp phần nâng cao tính an toàn, minh bạch của thị trường.
Song song với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường quan hệ, kết nối với các cơ quan, tổ chức, định chế tài chính lớn trên thế giới quảng bá hình ảnh TTCK, thu hút mạnh mẽ dòng vốn gián tiếp đầu tư trên TTCK. Nghiên cứu kinh nghiệm, bài học của các nước trong việc phát triển TTCK an toàn, hiệu quả, lành mạnh và bền vững.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, đào tạo để tăng hiểu biết của nhà đầu tư trên thị trường, chủ động cung cấp kịp thời thông tin chính thống, tạo đồng thuận xã hội, ổn định tâm lý thị trường và nhà đầu tư; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các tin đồn, bịa đặt, sai sự thật ảnh hưởng đến an toàn của TTCK.
Cũng tại Công điện lần này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và thực hiện các giải pháp phát triển TTCK, bảo đảm sự an toàn, liên thông, thông suốt, đồng bộ giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, TTCK…