Tăng cường giám sát để ổn định tài chính
Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường phát triển và lành mạnh hóa khu vực ngân hàng” do SECO viện trợ không hoàn lại ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và WB tổ chức Tọa đàm về ổn định tài chính tại khu vực phía Nam. Tại tọa đàm, các chuyên gia của WB và NHNN khuyến cáo, ngay trong giai đoạn nền kinh tế ổn định và phát triển, hệ thống ngân hàng cũng cần dự báo trước rủi ro và đề xuất các giải pháp khắc phục. Bởi một khi khủng hoảng xảy ra thì nền kinh tế sẽ đối mặt các vấn đề còn lớn và phức tạp hơn so với dự tính.
Rủi ro tiềm ẩn ngay trong giai đoạn tăng trưởng cao
Bà Nguyễn Thu Hường, Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính (NHNN) cho biết, tuy chưa có định nghĩa chuẩn, song ổn định tài chính bao hàm một số vấn đề cụ thể. Theo đó, mục tiêu của ổn định tài chính là đảm bảo cho hệ thống tài chính thực hiện các chức năng của nó một cách thông suốt, từ đó phân bổ có hiệu quả nguồn lực của nền kinh tế. Ổn định tài chính là vấn đề có tính phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan nhà nước, nên cần có sự phối hợp thực hiện.
Toàn cảnh tọa đàm |
Nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 với những hậu quả kéo dài, đại diện Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính nhấn mạnh, sự kiện này đã cho thấy những khoảng trống trong chính sách vĩ mô truyền thống. Sự phát triển của ngành tài chính trên thế giới kèm theo việc xuất hiện ngày càng nhiều các nhân tố mới có khả năng gây bất ổn tài chính. Một khi mất ổn định tài chính sẽ kéo theo nhiều hậu quả. Vì vậy giữ ổn định tài chính cũng chính là góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính cho biết, trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng các mô hình giám sát ổn định tài chính theo khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện nay các báo cáo ổn định tài chính, tiền tệ, báo cáo đánh giá rủi ro mối liên kết tài chính - vĩ mô, báo cáo theo dõi khu vực doanh nghiệp và bất động sản… đã được thực hiện định kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát ổn định tài chính cũng được NHNN thực hiện chặt chẽ thông qua các kỹ thuật và công cụ liên quan đến tín dụng, tiêu chuẩn về vốn, ngoại hối, thanh khoản…
Ông Jean Francois Bouchard, chuyên gia tư vấn của WB khuyến nghị, ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng năng động, tất cả mọi thứ đang trôi chảy thì chúng ta vẫn cần tính tới các rủi ro, đặc biệt các vấn đề bất ổn đối với hệ thống tài chính. Trong giai đoạn tăng trưởng, các ngành, lĩnh vực có xu hướng tối ưu hoá lợi nhuận và thúc đẩy xu hướng kinh doanh, khiến chúng ta chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Ngay trong các thời điểm này, đã có khả năng xảy ra các cú sốc, do tác động của các yếu tố như sự phát triển nóng của thị trường bất động sản, tác động của biến đổi khí hậu…
Lịch sử cũng đã cho thấy có nhiều cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự gia tăng đáng kể GDP tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có thể tàn phá nỗ lực ổn định kinh tế. Ông Jean Francois Bouchard dẫn chứng, một số quốc gia đã chi tiêu tài khoá trực tiếp lên tới hơn 40% GDP để bù đắp khủng khoảng ngân hàng, như Argentina (năm 1980), Chile (1981), Iceland (2008), Indonesia (1997); Hay chi tiêu công hơn 60% GDP để bù đắp chi phí khủng hoảng, như Argentina (2001), Chile (1981), Iceland (2008), Indonesia (1997). Qua 40 cuộc khủng hoảng trong quá khứ dữ liệu của WB cũng chỉ ra chu kỳ trung bình để xảy ra khủng hoảng là khoảng 8,5 quý; và tổn thất trung bình tại các quốc gia xảy ra khủng khoảng, tính từ đỉnh của chu kỳ chiếm khoảng 18,4% GDP.
Vẫn cần trần tín dụng
Phân tích về khuôn khổ giám sát an toàn vĩ mô để đánh giá mức độ rủi ro của hệ thống tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, chuyên gia của WB cho biết, có 5 mục tiêu trung gian để giám sát. Hiện nay các mục tiêu này đang được kiểm soát khá ổn định trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam thông qua các công cụ, kỹ thuật cụ thể.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng quá mức và đòn bẩy, nhằm trả lời câu hỏi ngân hàng có đang tài trợ quá nhiều vốn cho nền kinh tế hay không. Hiện nay, trần tín dụng là một trong những công cụ để kiểm soát vấn đề này. Chuyên gia của WB khuyến nghị cần kiểm soát bằng việc đặt ra ngưỡng trần để tránh việc các ngân hàng cho vay quá nhiều, và khi nền kinh tế phát triển cũng không nên mở rộng tăng trưởng tín dụng ra quá mức vì khi này đã tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.
Thứ hai, chênh lệch kỳ hạn quá mức và mất thanh khoản thị trường. Theo đó, các TCTD nhận tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân cần giám sát kỳ hạn huy động để kịp thời phát hiện sự mất cân đối giữa các kỳ hạn hay không. Vấn đề khác là các ngân hàng có đang tài trợ quá mức cho các khoản vay trung và dài hạn hay không; và có gây ra khả năng mất thanh khoản thị trường không. WB đánh giá, không có quá nhiều rủi ro liên quan đến tỷ lệ này ở Việt Nam, vì nền kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động nhất trong nhóm thị trường mới nổi.
Thứ ba, mức độ tập trung rủi ro trực tiếp và gián tiếp, cụ thể là thị trường bất động sản. Chuyên gia của WB nhấn mạnh, khu vực bất động sản là nhân tố cần được giám sát chặt chẽ vì nó liên quan tới mức độ tập trung rủi ro trực tiếp và gián tiếp, thể hiện ở các cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng cho vay dưới chuẩn đều nổ ra ở thị trường bất động sản, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu gia tăng đáng kể. Hiện NHNN đã có đơn vị thu thập các dữ liệu liên quan tới các khoản cho vay lớn là CIC và đơn vị này dự báo được các viễn cảnh, triển vọng hay đường đi của các khoản vay, từ đó nhận diện các rủi ro của doanh nghiệp, đánh giá khả năng vỡ nợ... nhằm kịp thời có biện pháp ngăn ngừa rủi ro.
Thứ tư, các động cơ sai lệch và rủi ro đạo đức, mà ở đó gồm những doanh nghiệp, ngân hàng quá lớn mà chúng ta rất khó để cho họ phá sản. Đây là vấn đề nghiêm trọng nhất, khiến nhiều cơ quan quản lý tại các quốc gia đau đầu khi phân tích ổn định tài chính, mà để giải quyết cần tiến hành phân tích kỹ các sự kiện liên quan.
Thứ năm, tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng tài chính.
Theo Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính những vấn đề WB nêu ra là cơ sở quan trọng để NHNN có thêm dữ liệu điều chỉnh, sửa đổi các quy định hiện hành để kiểm soát rủi ro tốt hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay.