Tăng cường kiểm toán môi trường để phát triển bền vững
Đi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nằm trong top đầu khu vực châu Á và tốc độ phát triển sản xuất và đô thị hóa nhanh, ở Việt Nam ô nhiễm môi trường cũng tăng lên. Bên cạnh đó là những tác động xấu của biến đổi khí hậu.
Những sự cố môi trường nghiêm trọng gây bức xúc cho người dân thời gian gần đây đã phần nào chỉ ra những lỗ hổng trong công tác quản lý môi trường. Điển hình như sự cố môi trường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra vào năm 2016 và DAP 2 Lào Cai năm 2018 là những ví dụ điển hình, khẳng định về tầm quan trọng cũng như giá trị của môi trường một khi đã bị tổn hại sẽ khó có thể bù đắp bằng bất cứ giá nào.
Ảnh minh họa |
Thông tin chi tiết hơn, ông Đinh Văn Dũng - Phó Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành III cho biết, KTNN Chuyên ngành III đã thực hiện một số cuộc kiểm toán về những vấn đề môi trường phức tạp, nhiều rủi ro, đang thu hút được sự quan tâm của Quốc hội và người dân. Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều dự án, nhiều DN chưa tuân thủ đúng các quy định về môi trường.
Ví dụ như tại cuộc kiểm toán chất thải y tế trên địa bàn Hà Nội, có đến 86% các bệnh viện được kiểm toán thì thấy hồ sơ môi trường chưa đầy đủ theo quy định; 82% các bệnh viện hoặc không thu gom triệt để nước thải, hoặc hệ thống xử lý đã xuống cấp, không đáp ứng được khả năng xử lý. Đặc biệt vẫn còn hiện tượng xả thải trực tiếp ra môi trường; có những bệnh viện để tiết kiệm điện chỉ vận hành hệ thống xử lý nước thải theo ca làm việc nên giảm khả năng xử lý...
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy phần lớn là chưa thực sự nghiêm túc với việc xử lý chất thải, rác thải. Ở nhiều khu công nghiệp việc xử lý nước thải, rác thải chưa tuân thủ đúng quy định. Nhiều rác thải rắn nguy hại nhưng lại thu gom xử lý như rác thải thông thường. Thậm chí, nhà máy xử lý nước thải cũng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có giấy phép xả thải, chất lượng nước thải không ổn định, có nhiều thời điểm vượt ngưỡng so với quy định.
Trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực VI cũng cho biết thêm, tình trạng các DN gian lận để giảm mức đóng phí bảo vệ môi trường đến mức thấp nhất làm ảnh hưởng nguồn kinh phí bảo vệ môi trường. Và đã có một số nhà máy xử lý rác và xử lý chất thải rắn không đảm bảo về công suất, hiệu quả hoạt động không cao.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết nội dung về bảo vệ môi trường đã được quy định trong Luật nhưng không khả thi trong thực tiễn, dẫn đến nhiều năm liền không triển khai, thực hiện được. Đồng thời vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất giữa Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước… Cụ thể như quy định giữa các luật không thống nhất dẫn đến sự không thống nhất giữa các địa phương trong việc yêu cầu chủ đầu tư phải có hay không Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cũng do các luật không thống nhất đã gây phiền phức và tốn kém không đáng có. Đơn cử việc thẩm định, cấp giấy phép xả nước thải và nguồn nước theo quy định và việc kiểm tra, cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường, mặc dù đây là 02 loại giấy phép với tên gọi khác nhau, 02 đoàn kiểm tra, cấp phép khác nhau nhưng quy trình thực hiện, bản chất, nội dung về cơ bản hoàn toàn giống nhau.
Phân cấp về quản lý môi trường còn chưa cụ thể, chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, trong khi công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan này còn rất hạn chế, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi xảy ra các vấn đề về môi trường.
Kiểm toán môi trường ở Việt Nam là lĩnh vực mới và khó. Kiểm toán Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về kiểm toán môi trường.
Khó khăn đầu tiên là, kiểm toán môi trường chưa được triển khai một cách chính thức và mạnh mẽ, một số ít cuộc kiểm toán được lồng ghép nội dung, yếu tố môi trường trong các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, mà hầu như chưa có nhiều cuộc kiểm toán hoạt động môi trường độc lập. Do đó, các kiến nghị của KTNN về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững chưa được như mong đợi.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu sơ sài nên chưa phục vụ tốt cho công tác kiểm toán. Năng lực kiểm toán môi trường của KTNN còn hạn chế cả về đội ngũ, kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán cũng như trong công tác tổ chức thực hiện.
Kiểm toán môi trường chưa đạt được kỳ vọng của người dân và xã hội khi kiểm toán vẫn thiên về việc đánh giá tính hiệu lực và tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, mà chưa đưa ra được cảnh báo về ô nhiễm môi trường, chưa đánh giá tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, xã hội người dân…
Vấn đề môi trường hiện đang được đánh giá là một trong những vấn đề “nóng” tại Việt Nam và bài toán về phát triển kinh tế nhanh nhưng đảm bảo bền vững được Quốc hội, Chính phủ cũng như người dân đặc biệt chú ý. Vì vậy, xã hội và người dân kỳ vọng những vấn đề nêu trên sớm được giải quyết và kiểm toán môi trường sẽ là một trong những nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Kỳ vọng kiểm toán môi trường sẽ là một công cụ hữu hiệu để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả hướng tới phát triển bền vững.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã và đang chú trọng việc nghiên cứu, triển khai thực hiện kiểm toán môi trường như một công cụ hữu hiệu để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, bảo vệ môi trường. |