Tăng cường quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
Cảnh báo lừa đảo đầu tư chứng khoán qua các hội nhóm trên mạng Sửa quy định về hoạt động quỹ đầu tư chứng khoán |
Theo Bộ Tài chính, cuối tháng 10 vừa qua, cùng với việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và các luật khác, cơ quan này cũng đang sửa đổi hai văn bản pháp lý là Thông tư 98/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (ĐTCK) và Thông tư 51/2021/TT-BTC hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Song song đó, NHNN cũng đang dự thảo sửa đổi Thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản VND để thực hiện đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam (thay thế cho Thông tư 05/2014/TT-NHNN).
Như vậy, trong thời gian tới, hoạt động của thị trường chứng khoán nói chung và hoạt động của các quỹ ĐTCK nói riêng sẽ có nhiều thay đổi về mặt pháp lý. Trong đó, riêng với quỹ ĐTCK, các quy định mới sẽ được bổ sung theo hướng cởi mở, tạo điều kiện hơn cho các quỹ đa dạng hóa sản phẩm và tăng quy mô.
Tuy nhiên, các điều kiện để đầu tư cũng được bổ sung chặt chẽ hơn, bao gồm các quy định về minh bạch công bố thông tin và tài liệu đảm bảo chứng minh có bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng. Đối với các quỹ mở, các quy định mới cũng giới hạn tỷ lệ đầu tư không quá 30% vào các tài sản do cùng một tổ chức, nhóm tổ chức phát hành nhằm hạn chế rủi ro.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các quy định về mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp cũng được Bộ Tài chính và NHNN bổ sung theo hướng quản lý chặt chẽ hơn so với các quy định hiện hành tại Thông tư 51/2021/TT-BTC và Thông tư 05/2014/TT-NHNN. Tuy nhiên, các quy trình, thủ tục hồ sơ mở tài khoản được đơn giản hóa, áp dụng các phương thức điện tử để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán.
Theo nhận định của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc Bộ Tài chính sửa đổi nhiều quy định pháp lý liên quan đến quỹ ĐTCK, nhất là việc sửa đổi Thông tư 98/2020/TT-BTC, sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các quỹ. Do vậy, các quỹ cần thời gian để điều chỉnh danh mục đầu tư, thay đổi các phương pháp định giá tài sản và áp dụng các biểu mẫu đảm bảo nghĩa vụ công bố thông tin, an toàn và bảo mật. Vì thế, Bộ Tài chính cần bổ sung thêm các quy định chuyển tiếp và lộ trình áp dụng phù hợp, thay vì bắt đầu triển khai từ đầu năm 2025 để tránh gây khó khăn và tốn kém cho các quỹ ĐTCK.
Về phía thị trường, theo nhận định của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), việc sửa đổi kịp thời các quy định pháp lý liên quan đến thị trường quỹ hiện nay sẽ tạo động lực rất mạnh mẽ cho sự phát triển quy mô của các nhóm quỹ ĐTCK, bao gồm cả nhóm quỹ mở và quỹ đóng.
Ghi nhận của VSDC cho thấy rằng, tính đến hết quý III/2024, cùng với mức độ tăng trưởng tài khoản giao dịch và số lượng các quỹ mở mới IPO, hoạt động dịch vụ cho quỹ mở tại VSDC cũng tăng trưởng rất tích cực. Hiện nay đã có khoảng gần 20 quỹ cổ phiếu đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng 13,98% của chỉ số VN-Index. Trong đó, có nhiều quỹ đạt lợi nhuận trên 20% như VCBF-BCF, VCBF-TBF, VinaCapital-VESAF, SSISCA, VLGF, DCDS…
Theo nhận định của các chuyên gia, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ mở sử dụng dịch vụ tại VSDC đang tăng mạnh (đạt khoảng trên 45.600 tỷ đồng, tăng 88% so với cuối tháng 9/2023). Thị trường đang ngày càng cạnh tranh sôi động bởi hầu hết các quỹ đều tập trung mở rộng các kênh phân phối và tích cực cung cấp thông tin tới cộng đồng nhà đầu tư.
Đại diện VSDC cho biết, trong năm 2025, tổ chức này sẽ tiến hành nâng cấp toàn diện hệ thống quỹ mở với mục tiêu hệ thống mới sẽ xử lý các nghiệp vụ nhanh hơn, ít lỗi hơn và nhiều tiện ích tự động hơn. Song song đó, VSDC đang phối hợp với một số công ty quản lý quỹ và đại lý phân phối nghiên cứu giải pháp đẩy nhanh tốc độ cập nhật, thay đổi thông tin nhà đầu tư. Phấn đấu đến đầu năm 2025 sẽ hoàn thành cập nhật thông tin căn cước công dân cho tất cả các nhà đầu tư quỹ mở. Từ đó, tiến hành định danh, làm sạch dữ liệu, chuẩn hóa tài khoản, đảm bảo khi các văn bản pháp lý mới như Luật Chứng khoán và các Nghị định, Thông tư liên quan được ban hành và có hiệu lực thì có thể triển khai áp dụng thống nhất và đồng bộ trên toàn thị trường.