Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen
Bên cạnh đó, NHNN triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay... niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng, gói tài chính tiêu dùng...
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 4/2023, dư nợ đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% dư nợ nền kinh tế, tăng khoảng 3,79% so với cuối năm 2022. Các công ty tài chính tiêu dùng (HD Saison, FE Credit) cũng dành 20.000 tỷ đồng cho vay công nhân. Các kết quả đạt được cho thấy, những nỗ lực của ngành Ngân hàng đang góp phần cùng toàn xã hội ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Mặc dù ngành Ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng trong thời gian qua vẫn gặp khó khăn. Cụ thể, một số khách hàng không chứng minh được mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao. Điều này thường do khách hàng cung cấp thông tin còn thiếu minh bạch, trong khi chế tài về trách nhiệm cung cấp thông tin của khách hàng chưa đầy đủ, việc thu thập thông tin về thu nhập của khách hàng từ các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế, bảo hiểm xã hội... còn khó khăn. Ngoài ra, còn một bộ phận khách hàng vẫn tìm đến tín dụng đen do thói quen tiêu dùng hoặc phục vụ nhu cầu không hợp pháp như cờ bạc, chơi đề...
Về phía các TCTD, NHNN cho biết, hoạt động thu nợ của các tổ chức này gặp nhiều khó khăn trong quy trình cấp phép. Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép, hoạt động tín dụng đen gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng trong thời gian qua. Nếu tình trạng này kéo dài, một chuyên gia ngân hàng lo ngại có thể dẫn đến những biến tướng khó lường, tạo kẽ hở cho tín dụng đen phát triển. "Để thúc đẩy cho vay tiêu dùng chính thống, hạn chế tín dụng đen, bên cạnh mở rộng quy mô, số lượng…, cần tăng cường công tác tuyên truyền để tăng mức độ nhận diện công ty tài chính tiêu dùng chính thống", vị này lưu ý.
Tính đến nay, có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, cần phân biệt bản chất hoạt động công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác, trên cơ sở đó đánh giá và làm rõ các vấn đề có thể phát sinh, đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả, chặt chẽ hơn. Đây là một trong những giải pháp thiết thực ngăn ngừa tín dụng đen.
Để góp phần hạn chế tín dụng đen, bên cạnh các giải pháp nhằm tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, NHNN cho rằng, cần có sự tham gia đồng bộ các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, NHNN kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. UBND các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn đề có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến tín dụng đen.
Ngành Ngân hàng cũng kiến nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị địa phương đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen; Tạo điều kiện cho các TCTD, công ty tài chính chính thức được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp định khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn, đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng được chính xác, tiết kiệm nguồn lực. Bên cạnh đó tiếp tục đa dạng hoá các phương thức tuyên truyền, phổ biến, dễ tiếp cận tới người dân về các chính sách, chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động tín dụng đen, gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.